Viêm gan B: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

13/07/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Trung bình cứ 10 người Việt Nam lại có 1 người mắc bệnh viêm gan B. Ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 7.8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính và 40.000 ca tử vong vì viêm gan B. Vậy, viêm gan B là gì? Dấu hiệu viêm gan B khởi phát có dễ nhận biết không? Bạn cần làm gì để phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B một cách hiệu quả? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết sau.

Viêm gan B: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

Viêm gan B là bệnh lý nguy hiểm rất phổ biến tại Việt Nam

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến do virus HBV gây nên. Khi nhiễm bệnh, vi-rút HBV sẽ trực tiếp tấn công vào gan, hình thành ổ viêm và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, khiến người bệnh có nguy cơ cao phải tử vong do suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời.

Mức độ phổ biến:

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao. Theo ước tính, tỷ lệ nhiễm viêm gan siêu vi B trung bình tại Việt Nam dao động trong khoảng từ 8.8 – 19% dân số. Trong khi tỷ lệ lây nhiễm viêm gan siêu vi B ở khu vực thành thị được ước tính là 10%, thì vùng nông thôn Việt Nam có thể lên tới 40%.

Phân loại và triệu chứng của bệnh viêm gan B

Bệnh viêm gan B có 2 phân loại khác nhau, đó là: viêm ban B cấp tính và viêm gan B mạn tính. Chính xác hơn, viêm gan B cấp tính và mạn tính là 2 giai đoạn khác nhau của bệnh viêm gan B. Cả hai đều ảnh hưởng đến gan, song có một số khác biệt về triệu chứng, thời gian ủ bệnh, phát bệnh và nguy cơ biến chứng. Cụ thể:

Tiêu chí so sánh Viêm gan B cấp tính Viêm gan B mạn tính
Thời gian ủ bệnh 60 – 150 ngày Không có
Thời gian phát bệnh Từ 0 – 6 tháng Trọn đời
Dấu hiệu viêm gan B Rõ ràng Không có hoặc ít triệu chứng
Tỉ lệ khỏi bệnh 90 % (ở người lớn)

(10% còn lại trở thành mạn tính)

0%
Biến chứng Nguy cơ thấp gây xơ gan, suy gan và ung thư gan Nguy cơ cao gây xơ gan, suy gan và ung thư gan

1. Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính là giai đoạn 6 tháng đầu sau khi cơ thể bị nhiễm vi-rút HBV. Dấu hiệu viêm gan B cấp tính thường xuất hiện vào khoảng 3 tháng sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, bao gồm các triệu chứng điển hình như:

  • Sốt, mệt mỏi, sụt cân, chán ăn;
  • Khó chịu ở vùng bụng, hạ sườn phải, nôn mửa, tiêu chảy;
  • Vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu, v.vv…

90% người trưởng thành bệnh viêm gan B cấp tính có thể khỏi bệnh hoàn toàn sau khoảng thời gian từ 1 – 6 tháng. Trong khi đó, 10% còn lại có thể chuyển sang viêm gan B mạn tính. Đặc biệt, khi bệnh khởi phát, một số người có thể không có hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ. Do đó, điều quan trọng là bạn nên tầm soát sức khỏe gan định kỳ để phát hiện sớm sự hiện diện của virus trong gan.

Phân loại & triệu chứng của bệnh viêm gan B, viêm gan B cấp tính

Sốt và đau tức vùng hạ sườn là những triệu chứng thường thấy ở người bệnh viêm gan B

2. Viêm gan B mạn tính

Viêm gan B mạn tính là tình trạng viêm gan B kéo dài trên 6 tháng, khi cơ thể người bệnh không thể loại bỏ hoàn toàn virus HBV, khiến người bệnh sẽ phải sống chung với mầm bệnh đến suốt đời. Một số người có viêm gan B mạn tính có thể không có triệu chứng gì, trong khi người khác có thể phát triển các biến chứng như xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Bên cạnh các triệu chứng tương tư như viêm gan B cấp tính, trong quá trình viêm gan B mạn tính tiến triển, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu viêm gan B mới, lần đầu xuất hiện như:

  • Tiểu ít hơn do hệ tiêu hóa hấp thụ nước kém;
  • Thường xuyên bị nhầm lẫn, mất phương hướng, sa sút trí lực do biến chứng suy gan ảnh hưởng đến não;
  • Có thể xuất hiện triệu chứng tích nước, cổ trướng, phù nề bụng, tay, chân khi bệnh trở nặng thành xơ gan mạn tính.

Viêm gan B có nguy hiểm không?

Viêm gan B rất NGUY HIỂM vì bệnh có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn, tiến triển thành bệnh mạn tính (xơ gan, ung thư gan) và đe dọa đến tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời. Trong số 5 loại virus viêm gan thì virus viêm gan B được coi là loại có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe con người. Cụ thể:

  • Virus viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây nên 57% trường hợp xơ gan, 25% trường hợp ung thư gan nói chung và 78% trường hợp ung thư gan nguyên phát.
  • Một khi bệnh viêm gan B đã tiến triển nặng thành mãn tính, tiên lượng sống của bệnh nhân sẽ bị giảm 15%. Nói cách khác, cứ 100 người bệnh viêm gan B mạn tính sẽ có 15 người tử vong.

Theo kết quả nghiên cứu về gánh nặng sức khỏe toàn cầu năm 2013, viêm gan đứng thứ 7 trong danh sách những nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới. Vì thế, tìm hiểu rõ về viêm gan B, nguyên nhân khởi phát cũng như các con đường lây nhiễm bệnh được xem là điều cần thiết giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Viêm gan B có nguy hiểm không? biến chứng viêm gan B

Người bệnh viêm gan B thường mắc thêm biến chứng suy gan, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B

Nguyên nhân duy nhất gây bệnh viêm gan B chính là do vi-rút HBV. Nói cách khác, nhiễm trùng viêm gan B chỉ xảy ra khi vi-rút có thể xâm nhập vào máu và đến gan.

Cơ chế gây bệnh:

Khi ở trong gan, HBV sinh sản và giải phóng một số lượng lớn vi-rút mới vào máu. Điều này kích ứng phản ứng viêm ở gan, đồng thời kích thích hệ miễn dịch gửi tế bào bạch cầu đến để tấn công và tiêu diệt các tế bào gan bị nhiễm bệnh. Do đó, trong quá trình lây nhiễm và phục hồi, gan có thể không hoạt động bình thường và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.

Viêm gan B có lây không?

Bệnh viêm gan B CÓ LÂY. Nguy hiểm hơn, tốc độ lây lan của virus HBV còn nhanh hơn gấp 50 – 100 lần virus HIV, đồng thời virus có thể tồn tại suốt 7 ngày ngoài cơ thể vật chủ để tiếp tục lan truyền mầm bệnh với một sức sống mãnh liệt.

Lưu ý:

Nước bọt của người bị viêm gan B có thể chứa vi-rút HBV nhưng ở nồng độ thấp hơn rất nhiều so với máu. Do đó, bệnh viêm gan B KHÔNG LÂY qua các đường tiếp xúc thông thường như: sử dụng chung vật dụng ăn uống, chén dĩa, ly cốc, hôn, ôm, hoặc tiếp xúc với nước tiểu, phân hoặc mồ hôi của người nhiễm bệnh. Vậy, viêm gan B lây qua đường nào?

Viêm gan B lây qua đường nào?

Bệnh viêm gan siêu vi B chỉ có thể lây truyền qua 3 con đường sau:

1. Viêm gan B lây truyền qua đường máu

HBV có thể lây nhiễm qua máu và dịch mủ. Các tình huống có nguy cơ cao lây nhiễm virus HBV qua đường máu bao gồm: chia sẻ chung kim tiêm, dụng cụ châm cứu, xăm mình, nặn mụn, cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc tiếp xúc với vết thương hở của người bệnh.

2. Viêm gan B lây nhiễm từ mẹ sang con

Trong quá trình sinh nở, mẹ bị nhiễm virus viêm gan B có thể truyền virus trực tiếp sang cho đứa trẻ thông qua đường máu. Trong khi đó, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B qua đường sữa mẹ là không đáng kể. Do đó, mẹ bầu bị nhiễm HBV hoàn toàn có thể an tâm cho con bú mẹ bình thường. Tốt nhất, trẻ nên được tiêm trước 1 liều vắc-xin viêm gan B ngay sau khi sinh để đảm bảo an toàn sức khỏe về sau.

3. Viêm gan B lây qua đường tình dục

Viêm gan B có thể lây qua việc tiếp xúc với chất lỏng âm đạo, tinh dịch khi quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm virus HBV. Việc sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, tuy nhiên không có tác dụng ngăn ngừa bệnh một cách tuyệt đối.

Viêm gan B lây qua đường nào? quan hệ tình dục không an toàn

Quan hệ tình dục không an toàn là con đường lây truyền viêm gan B phổ biến nhất

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B

Bất kỳ ai cũng có có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B nếu chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh hoặc đã tiêm rồi nhưng không tiêm mũi nhắc lại đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm gan siêu vi B (hepatitis B) cao hơn người khác, bao gồm:

  • Người có nhiều đối tác tình dục: Người có nhiều đối tác tình dục hoặc/và không sử dụng các biện pháp khi quan hệ có nguy cơ lây nhiễm HBV cao hơn người bình thường.
  • Người tiếp xúc gần với người nhiễm HBV: Gia đình, bạn bè hoặc người chăm sóc bệnh nhân nhiễm HBV có nguy cơ nhiễm viêm gan B cao hơn do tiếp xúc gần với máu và chất lỏng cơ thể của người nhiễm bệnh.
  • Người làm việc trong lĩnh vực y tế: Nhân viên y tế, đặc biệt là những người tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất lỏng cơ thể của bệnh nhân, có nguy cơ lây nhiễm HBV cao hơn những ngành nghề khác.
  • Người sử dụng chung kim tiêm, dụng cụ xăm hoặc châm cứu: Người sử dụng chung kim tiêm (chủ yếu là người nghiện chích ma túy), dụng cụ xăm hoặc châm cứu có nguy cơ lây nhiễm HBV cao hơn.
  • Trẻ sơ sinh từ mẹ nhiễm HBV: Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao lây nhiễm HBV từ mẹ trong quá trình sinh nở do bé vẫn còn phụ thuộc vào nguồn máu của mẹ để sinh trưởng.
  • Sinh viên và người đi du học: Các đối tượng này có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B khi di chuyển đến các khu vực có tỷ lệ nhiễm HBV cao hoặc khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
  • Người hiến hoặc nhận máu: Dù hiếm gặp, nhưng những người nhận máu hoặc sản phẩm máu có nguy cơ lây nhiễm HBV nếu mẫu máu chưa được kiểm tra kỹ.
  • Người bệnh tiểu đường: Những bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao nếu họ dùng chung thiết bị đo đường huyết bằng ngón tay hoặc các thiết bị chăm sóc bệnh tiểu đường khác như ống tiêm hoặc bút tiêm insulin.

Chẩn đoán bệnh viêm gan B

Chẩn đoán bệnh viêm gan B là một quá trình kết hợp giữa các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra những phán đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh. Cụ thể:

1. Chẩn đoán lâm sàng

Chẩn đoán lâm sàng thường bao gồm những thủ tục sau:

  • Phỏng vấn bệnh nhân: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, tiền sử y tế, tiếp xúc với người nhiễm HBV và các yếu tố nguy cơ khác (tiền sử gia đình, nghề nghiệp, thói quen sống, v.vv…).
  • Khám bệnh: Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám cơ thể, đặc biệt là kiểm tra gan và lách để phát hiện các dấu hiệu sưng to hoặc đau.
Chẩn đoán bệnh viêm gan B, lâm sàn

Minh họa cảnh bác sĩ chẩn đoán lâm sàng về tình trạng vàng da ở bệnh nhân viêm gan B

2. Xét nghiệm viêm gan B

Xét nghiệm viêm gan B là một thủ tục dò tìm kháng thể và kháng nguyên trong mẫu máu của bạn. Do đó, bạn cần đến nơi thực hành xét nghiệm để trực tiếp lấy máu. Thông qua kết quả xét nghiệm máu, bạn sẽ biết được các chỉ số quan trọng sau:

Xét nghiệm chẩn đoán viêm gan B

Sau khi tổng hợp kết quả khám nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

Viêm gan B có chữa được không?

Bệnh viêm gan B KHÔNG CHỮA ĐƯỢC. Tuy nhiên, tin tốt là bệnh này thường tự khỏi hẳn sau khoảng từ 4 – 8 tuần. Nhìn chung, có khoảng 90% những người trưởng thành bị nhiễm viêm gan B có thể hồi phục hoàn toàn sau 6 tháng nhiễm bệnh. Tuy nhiên, khoảng 10% còn lại thường trở thành “người mang mầm bệnh” mạn tính. Điều này có nghĩa là máu của họ vẫn còn chứa virus viêm gan B nhiều tháng, nhiều năm hoặc thậm chí đến cuối đời.

Điều trị viêm gan siêu vi B

Tính đến nay, bệnh viêm gan siêu vi B vẫn CHƯA CÓ THUỐC ĐIỀU TRỊ đặc hiệu. Một khi nhiễm bệnh, phần lớn sự can thiệp đều nhằm mục đích ngăn ngừa sự lây nhiễm, đề phòng biến chứng và hỗ trợ giảm thiểu tối đa các triệu chứng khởi phát. Cụ thể:

1. Điều trị ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B sau khi phơi nhiễm

Trong vòng 24 giờ ngay sau khi phát hiện mình đã phơi nhiễm hay có nguy cơ cao bị lây nhiễm bởi vi-rút viêm gan B, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tiêm tiêm globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) theo liều 0.06 ml HBIG / kg trọng lượng cơ thể. Điều này giúp gia tăng khả năng bảo vệ ngắn hạn của cơ thể trước sự tấn công của vi-rút.

Điều trị ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B sau khi phơi nhiễm

Minh họa một số liều HBIG thường được tiêm cho người bệnh viêm gan B

2. Điều trị viêm gan siêu vi B cấp tính

Không có cách điều trị cho bệnh viêm gan B cấp tính. Lúc này, việc chăm sóc chỉ nhằm mục đích duy trì sự thoải mái và cân bằng dinh dưỡng, bao gồm cả việc bù đắp lượng chất lỏng bị mất do nôn mửa và tiêu chảy. Quan trọng nhất là bạn nên tránh lạm dụng thuốc tại nhà nếu không nhận được chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau – hạ sốt (acetaminophen, paracetamol, panadol) và thuốc chống nôn.

3. Điều trị viêm gan B mạn tính

Bệnh viêm gan B mãn tính có thể được điều trị bằng thuốc đường uống hoặc đường tiêm. Các loại thuốc này có thể làm chậm sự tiến triển của xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và cải thiện tiên lượng sống cho người bệnh. Hiện tại, có 7 loại thuốc điều trị viêm gan B được phê duyệt tại Hoa Kỳ, bao gồm 2 loại thuốc tiêm và 5 loại thuốc kháng vi-rút đường uống. Cụ thể:

  • Thuốc tăng cường miễn dịch đường tiêm: Đây là những loại thuốc interferon giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ loại bỏ vi-rút viêm gan B. Người bệnh thường phải tiêm các loại thuốc này trong vòng 6 – 12 tháng.
  • Thuốc kháng vi-rút đường uống: Đây là những loại thuốc ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình sinh sản của vi-rút viêm gan B, nhờ đó làm giảm viêm và tổn thương gan . Chúng được dùng dưới dạng viên nén, uống mỗi ngày 1 lần trong ít nhất 1 năm hoặc lâu hơn, bao gồm: entecavir (Baraclude), tenofovir (Viread), lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera) và telbivudine.

Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người bệnh viêm gan B mạn tính nên ưu tiên sử dụng các phương pháp điều trị bằng đường uống, chẳng hạn như dùng thuốc tenofovir hoặc entecavir. Bởi lẽ, đây là dòng thuốc mạnh nhất để ức chế sự tăng trưởng của vi-rút viêm gan B.

Tại Việt Nam, chỉ có khoảng 3% số người bệnh viêm gan B nhận được sự điều trị đúng cách. Do đó, việc tích cực tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hiểu biết của toàn dân về công tác chẩn đoán, ngăn ngừa và điều trị bệnh viêm gan B luôn là hành động mang tính cấp thiết, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng và giảm tải gánh nặng cho ngành Y tế.
Phòng ngừa viêm gan B

Tích cực tuyên truyền và vận động nhằm nâng cao nhận thức về bệnh viêm gan B trong cộng đồng

Chăm sóc bệnh nhân viêm gan B tại nhà

Bên cạnh những chỉ định của bác sĩ, việc chăm sóc bệnh nhân viêm gan B tại nhà cần tuân thủ thêm những nguyên tắc quan trọng sau để rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và nhanh chóng khôi phục sức khỏe:

  • Không lạm dụng thuốc: Khi bị virus HBV tấn công, gan đang rất yếu. Việc dùng thêm các loại thuốc ngoài chỉ định, dù chỉ là thuốc hạ sốt, thảo dược hay các loại thuốc “bổ” gan khác cũng có thể khiến bệnh tình tiến triển nặng hơn.
  • Đảm bảo uống đủ nước: Người bệnh viêm gan B thường hay nôn mửa và tiêu chảy. Việc uống đủ nước sẽ giúp người bệnh giảm tải gánh nặng chuyển hóa lên gan, hỗ trợ gan nhanh chóng hồi phục.
  • Ưu tiên thực phẩm kháng viêm: Chất béo omega-3, vitamin cùng chất chống oxy hóa đến từ rau lá xanh, tỏi, nghệ, gừng, các loại củ, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạt và đậu,… chính là những hợp chất kháng viêm mạnh mẽ, hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa biến chứng viêm gan hiệu quả.
  • Tái khám định kỳ: Thường xuyên tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sát sao tình trạng gan và có biện pháp hành động phù hợp ngay khi bệnh chuyển tiến xấu.
Chăm sóc bệnh nhân viêm gan B tại nhà

Người bệnh viêm gan B cần chọn lọc thực phẩm để xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn cho người viêm gan B

Người bị viêm gan siêu vi B cần tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối để hỗ trợ chức năng gan và hạn chế tối đa tác động tiêu cực của bệnh. Dưới đây là những lưu ý cần được chú ý trong chế độ ăn của người bị viêm gan siêu vi B:

  • Ăn đủ chất dinh dưỡng: Người bị viêm gan siêu vi B cần được cung cấp đầy đủ chất đạm, vitamin và chất chống oxy hóa để hỗ trợ mô gan kháng viêm, sửa chữa và tự hồi phục sau khi nhiễm virus.
  • Hạn chế đồ ăn chiên, nướng và chứa nhiều cholesterol: Những thực phẩm này làm tăng men gan, kích thích phản ứng viêm, góp phần làm suy gan và ảnh hưởng tiêu cực đến gan.
  • Tránh dùng thức uống có cồn: Rượu bia gây ngộ độc và hoại tử tế bào gan dù chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ. Do đó, người bệnh viêm gan B cần tuyệt đối tránh xa rượu bia.
  • Hạn chế đường và tinh bột nhanh: Đường và tinh bột nhanh làm tăng nguy cơ tích mỡ ở gan, góp phần gây viêm và khiến gan bị “quá tải” nên chậm hồi phục.
  • Ăn nhiều rau củ quả tươi: Rau củ quả tươi có chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ “đánh bay” vi-rút gây bệnh.
  • Ăn thực phẩm giàu chất chống viêm: Những thực phẩm như dầu thực vật, mỡ cá béo, quả bơ, các loại hạt, đậu, hoa quả tươi, củ (nghệ, tỏi, gừng) giúp giảm viêm gan và tăng cường sức khỏe gan.
  • Chia thành nhiều bữa nhỏ: Ăn 4 – 6 bữa nhỏ trong ngày giúp giảm tải gánh nặng chuyển hóa cho gan, giúp gan phục hồi nhanh hơn.

Ngoài ra, người bị viêm gan siêu vi B cũng cần nên uống đầy đủ nước và tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe toàn diện và hỗ trợ chức năng gan.

Chế độ ăn cho người viêm gan B

Rau củ quả, cá béo, các loại đậu và hạt là những nhóm thực phẩm tốt cho người bệnh viêm gan B

Cách phòng bệnh viêm gan B

Việc phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân, mà còn cho cả người thân, bạn bè, gia đình và cộng đồng. Để phòng ngừa bệnh viêm gan siêu vi B, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Tiêm phòng đầy đủ: Vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh viêm gan siêu vi B. Bạn nên tiêm vắc-xin đầy đủ theo lộ trình và theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tránh tiếp xúc với máu: Bằng cách tránh tuyệt đối việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân (kim tiêm, dao cạo râu, dụng cụ làm móng, chăm sóc răng miệng hay kim xăm mình), bạn có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm viêm gan B qua đường máu.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Bạn nên sử dụng bao cao su bảo vệ khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ bị lây nhiễm viêm gan siêu vi B qua đường tình dục.
  • Không nên có nhiều bạn tình: Dù đã kết hôn hay chưa, bạn cũng không nên có quá nhiều bạn tình bởi càng quan hệ tình dục với nhiều người, bạn càng làm tăng rủi ro mắc bệnh viêm gan B.
  • Tăng cường sức đề kháng: Nếu bạn có một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, cơ thể bạn có thể tạo ra các kháng thể để kiểm soát tải lượng vi-rút và loại bỏ nhiễm trùng cấp tính mà không cần điều trị.
  • Kiểm tra sức khỏe trước khi đi du lịch: Nếu bạn sắp đi du lịch đến vùng có nguy cơ cao bị viêm gan B mà trong người không còn kháng thể của virus HBV, hãy chủ động tiêm phòng trước ngày khởi hành du lịch ít nhất 2 tuần để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Cách phòng bệnh viêm gan B

Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả nhất

Nghi mắc bệnh viêm gan B: Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh viêm gan B, bạn hãy trực tiếp đến gặp bác sĩ được tư vấn và xét nghiệm càng sớm càng tốt. Trong tình huống này, bạn không nên ngồi chờ đợi bất kỳ triệu chứng nào khởi phát rồi mới đặt lịch hẹn với bác sĩ. Bởi lẽ, không phải tất cả mọi người đều xuất hiện triệu chứng nhiễm virus viêm gan B.

Nếu bạn trông chờ vào triệu chứng, dưới đây là những dấu hiệu điển hình khi nhiễm virus viêm gan B mà bạn cần đi khám ngay:

  • Sốt nhẹ;
  • Mệt mỏi, chán ăn;
  • Nôn mửa, đau bụng;
  • Phân nhạt màu trong khi nước tiểu đậm màu;
  • Vàng da và mắt;
  • Đau khớp, ngứa da.

Trên đây là những thông tin tổng quát nhất về bệnh viêm gan B mà bạn cần biết. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã hiểu rõ viêm gan B là gì, dấu hiệu viêm gan B ra sao để có thể tự mình nhận biết bệnh chính xác tại nhà. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến việc tiêm phòng, tầm soát, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan B, bạn hãy nhanh tay liên hệ đến Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome qua số hotline 1900 633 599 để được tư vấn kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!

Rate this post
14:31 15/08/2023