Khi bị ung thư gan, chức năng gan suy giảm sẽ ảnh hưởng xấu tới cơ thể, khiến thể trạng bệnh nhân yếu dần. Lúc này, thực đơn cho người ung thư gan cần tăng cường chất xơ, protein và các dưỡng chất có lợi để cải thiện sức khỏe và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Vậy đâu là các món ăn cho người bị ung thư gan cải thiện bệnh lý? Làm thế nào để xây dựng thực đơn cho bệnh nhân ung thư gan hợp lý và khoa học? Dưới đây là những gợi ý chuyên môn đến từ Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.

Thực đơn cho người ung thư gan cần đáp ứng những yêu cầu dinh dưỡng nào?
Nguyên tắc xây dựng thực đơn cho người ung thư gan
Ung thư gan có nhiều nguyên do, như viêm gan mạn tính, rượu bia, thuốc lá, xơ gan, gan nhiễm mỡ,…, song tất cả đều bắt nguồn từ các tổn thương kéo dài tại tế bào gan. Vì vậy, tiêu chí hàng đầu khi xây dựng thực đơn cho người ung thư gan là tập trung cải thiện các tổn thương trên, đồng thời cung cấp đủ dinh dưỡng cho người bệnh để duy trì thể trạng khỏe mạnh, cụ thể:
1. Cung cấp đủ năng lượng (25 – 40 kcal / kg / ngày)
Để thể trạng khỏe mạnh, việc duy trì cân nặng và hệ miễn dịch đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mặt khác, các liệu pháp điều trị ung thư gan như hoá trị, xạ trị, phẫu thuật cũng gây ra tình trạng mệt mỏi và suy giảm sức khỏe. Vì vậy, thực đơn cho người bị ung thư gan cần cung cấp đủ năng lượng (25 – 40 kcal / kg / ngày) để người bệnh có thể đảm bảo cân nặng, sức đề kháng và phục hồi nhanh chóng sau khi điều trị.
2. Thực đơn cung cấp đủ chất dinh dưỡng
Đối với bệnh nhân ung thư gan, các dưỡng chất có tác dụng bảo vệ và phục hồi tế bào chính là “liều thuốc quý” từ tự nhiên, trong đó:
- Chất đạm (60 – 70g đạm / ngày): Tình trạng ung thư và các liệu pháp điều trị có thể gây tổn thương cho các tế bào và cơ quan, đặc biệt là gan. Trong khi đó, chất đạm hay protein lại là thành phần chính cấu tạo nên các mô và tế bào mới, thúc đẩy quá trình phục hồi của người bệnh;
- Tinh bột (290 – 370g / ngày): Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Vì vậy, đảm bảo đủ lượng tinh bột trong chế độ ăn cho người ung thư gan cũng giúp đảm bảo đủ năng lượng để người bệnh sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân ung thư gan, hạn chế và thay thế tinh bột trắng bằng tinh bột nâu sẽ là lựa chọn tốt nhất, giúp tránh tích tụ đường và chất béo;
- Chất béo tốt (25 – 35g / ngày): Các axit béo không bão hoà như omega-3, 6, 9 có công dụng tuyệt vời trong việc kiểm soát lượng mỡ tích tụ trong gan, cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan;
- Chất xơ (21 – 38g chất xơ / ngày): Chất xơ, bao gồm chất xơ hoà tan và chất xơ không hòa tan, là thành phần quan trọng trong quá trình tiêu hoá, giúp loại bỏ chất béo, cholesterol, chất thải và độc tố có hại ra khỏi cơ thể, giảm áp lực lên chức năng gan;
- Vitamin và khoáng chất: Vitamin C và E là hai chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ tế bào gan khỏi các tổn thương và viêm nhiễm. Trong khi đó, vitamin B, D, selen và kẽm lại có vai trò quan trọng trong hệ tiêu hoá và hệ miễn dịch, giúp đảm bảo chức năng gan và chống lại các tế bào ung thư.

Thực đơn cho người ung thư gan cần cung cấp đủ 4 nhóm chất đạm – đường bột – béo và chất xơ
3. Ăn nhạt (<5g muối / ngày)
Muối, khi tiêu thụ quá mức vào cơ thể, sẽ gây phù nề, tăng huyết áp, khiến gan phải làm việc quá tải để điều tiết các chỉ số sức khỏe. Đối với bệnh nhân ung thư gan, điều này sẽ tạo cơ hội để các tế bào ung thư phát triển. Do đó, hạn chế lượng muối trong thực đơn cho người ung thư gan là nguyên tắc hàng đầu, Theo đó, một người chỉ nên hấp thụ không quá 5 g muối mỗi ngày.
4. Ăn từ 8 – 10 bữa nhỏ
Chức năng gan suy yếu do ung thư làm giảm năng suất và hiệu quả của hệ tiêu hoá. Vì vậy, chia nhỏ bữa ăn thành 8 – 10 cữ và ăn đủ no cho mỗi bữa sẽ giúp giảm tải áp lực lên quá trình tiêu hoá, tránh hiện tượng đầy bụng, khó tiêu, từ đó, đảm bảo các chức năng cơ bản của gan được thực hiện.
Lưu ý: bữa sáng là bữa quan trọng nhất với người bị ung thư, vì đây là thời điểm người bệnh dễ dung nạp dinh dưỡng nhất trong ngày. Do đó, bữa sáng nên là bữa ăn thịnh soạn (chiếm 30% tổng calo trong khẩu phần ăn cả ngày).
5. Uống đủ nước (1.5 – 2 lít / ngày)
Việc uống đủ nước sẽ hỗ trợ gan loại bỏ các chất cặn bã và độc tố ra khỏi cơ thể, đồng thời cung cấp độ ẩm cần thiết để gan hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các phương pháp điều trị ung thư gan như hóa trị, xạ trị thường gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy, khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng. Lúc này, cung cấp đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày sẽ giảm thiểu các tác dụng phụ kể trên và bù nước cho cơ thể.
Bệnh nhân ung thư gan nên ăn gì và kiêng gì?
Thực phẩm giàu chất đạm, tinh bột nâu, vitamin và chất chống oxy hóa chính là lựa chọn hàng đầu trong thực đơn cho người ung thư gan. Ngược lại, người bệnh nên tránh các món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol và cồn. Dưới đây là một số gợi ý giải đáp thắc mắc bệnh nhân ung thư gan nên ăn gì và kiêng gì:
1. Các loại thực phẩm nên ăn
Đối với người bệnh ung thư gan, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt và cá béo là nguồn thực phẩm không thể thiếu, trong đó:
- Hạt và ngũ cốc nguyên hạt: Hạt và ngũ cốc nguyên rất giàu chất xơ. Do đó, chúng có khả năng cung cấp hỗ trợ hệ tiêu hoá, bài tiết chất thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, gạo lứt, bún lứt, bánh mì nguyên cám,… cũng tạo cảm giác no lâu, kiểm soát sự tiến triển của bệnh lý béo phì, gan nhiễm mỡ – những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan;
- Rau củ quả tươi: Ngoài chất xơ, rau củ quả cũng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin và các chất chống oxy hoá. Cụ thể, folate hay vitamin B6 – dưỡng chất có nhiều trong cải bó xôi, cải xoăn, cải ngọt, dứa, kiwi,… đã được chứng minh là có khả năng cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ. Trong khi đó, vitamin C và E – hai chất chống oxy hóa trong cam, quýt, bưởi,… lại giúp bảo vệ tế bào gan khỏi các tổn thương do gốc tự do;
- Thực phẩm giàu protein: Tiêu thụ đủ lượng protein sẽ giúp tái tạo tế bào và thúc đẩy quá trình phục hồi của gan. Song, bạn hãy lựa chọn nguồn protein từ thịt các loại cá, thịt gia cầm bỏ da, các loại hạt, đậu, trứng và sản phẩm sữa ít béo để hạn chế tối thiểu lượng chất béo hấp thụ;
- Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh: Trong khi hạn chế chất béo bão hoà và chất béo chuyển hóa, bạn hãy tăng cường hấp thụ các axit béo tốt như omega-3, 6, 9 từ cá mòi, cá trích, cá thu, cá hồi, quả óc chó, quả bơ,… Bởi lẽ, các dưỡng chất này, đặc biệt là omega-3, đã được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa các biến chứng hậu ung thư;
- Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa: Ngoài rau củ quả tươi, bạn cũng có thể bổ sung các chất chống oxy hóa từ dầu ô liu, hạt chia, hạt lanh, hạt hướng dương,… Đặc biệt, trà xanh chứa EGCG – một hợp chất chống oxy hóa mạnh gấp 100 lần vitamin C sẽ là thức uống tuyệt vời trong thực đơn cho người ung thư gan. Bởi lẽ, theo nghiên cứu, EGCG có thể ức chế sự khởi phát và phát triển ung thư ở nhiều vị trí khác nhau, bao gồm cả gan.

Bệnh nhân ung thư nên ăn nhiều thịt cá và rau củ quả tươi
2. Các loại thực phẩm nên tránh
Để cải thiện sức khỏe và tránh rủi ro trong quá trình điều trị, bạn nên loại bỏ hoàn toàn thức ăn dầu mỡ, nhiều gia vị và chất kích ra khỏi thực đơn, cụ thể:
- Thức ăn nhanh và đồ ăn chiên rán: Thức ăn nhanh, đồ ăn chiên, rán và các loại đồ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tiến triển các tình trạng bệnh lý gan nhiễm mỡ, béo phì, ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng gan;
- Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn: Thịt hộp, cá hộp,… có thể chứa các chất bảo quản và chất phụ gia gây hại cho sức khỏe. Các thực phẩm này, khi đi vào cơ thể, sẽ tạo áp lực lên chức năng thanh lọc, thải độc của gan, từ đó, làm giảm khả năng phục hồi của tế bào gan;
- Thực phẩm quá ngọt hoặc quá mặn: Thức ăn chứa nhiều đường hoặc muối đều gây mất cân bằng trong cơ thể và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý huyết áp cao, tim mạch, khiến gan phải hoạt động quá tải trong khi đang bị tổn thương;
- Rượu và các loại đồ uống có cồn: Rượu bia và thức uống có cồn chính là “kẻ thù số một” của gan. Theo nghiên cứu, gan là cơ quan chịu tổn thương lớn nhất khi tiếp xúc với loại đồ uống này. Cụ thể, quá trình sàng lọc và đào thải ethanol có khả năng làm chết một lượng lớn tế bào gan, gây đột biến DNA và tạo điều kiện cho các tế bào ung thư tiến triển.

Người bệnh ung thư gan cần tuyệt đối tránh xa rượu bia
Thực đơn món ăn cho người ung thư gan
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư gan cần cung cấp đủ năng lượng, cung như tăng cường chất xơ, protein và các vitamin cần thiết. Vậy cụ thể đâu là các món ăn cho người bị ung thư gan cải thiện sức khỏe? Dưới đây là một số gợi ý từ Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome:
1. Các món súp, cháo tốt cho ung thư gan
- Cháo hạt sen ý dĩ: Hạt sen là nguồn cung cấp chất xơ và chất chống oxy hóa dồi dào, giúp bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương và viêm nhiễm. Trong khi đó, cucurmin trong ý dĩ hay nghệ tây lại có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư gan;
- Cháo bí đỏ: Beta-caroten và flavonoids là những chất oxi hoá mạnh mẽ trong bí đỏ, có công dụng giảm khả năng lan rộng của tế bào ung thư và bảo vệ các tế bào gan khỏi viêm nhiễm và tổn thương. Ngoài ra, bí đỏ rất giàu vitamin và khoáng chất, giúp người bệnh tăng cường miễn dịch và phục hồi nhanh chóng;
- Cháo cá hồi: Cá hồi được biết đến với hàm lượng cao axit béo omega-3. Dưỡng chất này sẽ giúp kiểm soát các phản ứng viêm tại gan – nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan;
- Súp gà nấm: Súp gà nấm cung cấp đầy đủ dinh dưỡng từ thịt và rau củ. Trong đó, thịt gà là nguồn protein dồi dào, hỗ trợ sản sinh và phục hồi tế bào tại gan. Nấm lại giàu chất xơ, vitamin B, E, giúp hệ tiêu hoá hoạt động hiệu quả và cải thiện sức khoẻ tổng thể.

Súp bí đỏ cung cấp cho người ung thư gan nhiều beta-carotene, hỗ trợ gan phục hồi tối ưu
2. Các món canh, rau tốt cho bệnh ung thư gan
- Canh cá nấu cà chua: Cá, nói chung, là nguồn protein không thể thiếu trong thực đơn cho người người ung thư gan. Loại thực phẩm này sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng, đồng thời hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào trong cơ thể người bệnh, mà không làm tăng lượng mỡ tích tụ tại gan. Bên cạnh đó, cà chua cũng sở hữu hàm lượng cao lycopene – một hợp chất chống oxy hóa hỗ trợ làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư;
- Canh sườn lợn nấu súp lơ: Súp lơ rất giàu folate, vitamin K, C, E, lutein, beta-carotene và zeaxanthin,… Loại rau này có công dụng tuyệt vời trong việc tăng cường các enzyme trong cơ thể, đào thải độc tố và làm chậm lại sự phát triển của các tế bào ung thư. Trong khi đó, sườn lợn là nguồn protein dồi dào, cung cấp các axit amin cần thiết cho quá trình phục hồi và xây dựng tế bào gan;
- Rau củ hấp: Rau củ hấp tuy là một món ăn đơn giản, nhưng rất giàu chất xơ, vitamin C, E và folate, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hoá, kiểm soát các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, men gan cao, từ đó, cải thiện tình trạng ung thư gan;
- Canh tôm nấu bí: Bí sở hữu hàm lượng cao chất xơ, vitamin A, vitamin C và chất chống oxy hóa. Trong khi đó, tôm rất giàu protein và omega-3. Sự kết hợp này sẽ giúp tế bào gan được bảo vệ và phục hồi nhanh chóng từ các tổn thương, viêm nhiễm.

Rau củ hấp là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin dồi dào cho người bệnh ung thư gan
3. Các món chính tốt cho người ung thư gan
- Gà hầm nấm hương: Nấm hương rất giàu chất xơ và các chất chống oxy hóa như polyphenols và beta-glucan, có công dụng bảo vệ gan khỏi các gốc tự do. Trong khi đó, gà là nguồn protein dồi dào, giúp tái tạo tế bài mới tại gan. Sự kết hợp này sẽ giúp quá trình phục hồi của gan diễn ra hiệu quả;
- Cá hồi hấp xì dầu: Bên cạnh omega-3 và protein, cá hồi cũng rất giàu vitamin D. Dưỡng chất này đã được chứng minh là có khả năng hạn chế hoạt động của tế bào hình sao và tế bào Kupffer – vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các bệnh lý gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Đồng thời, vitamin D cũng chống lại sự tăng sinh và quá trình huỷ hoại tế bào của các tế bào ung thư gan;
- Mướp đắng nhồi thịt: Hàm lượng cao chất xơ, vitamin C, A và flavonoids khiến mướp đắng có tác dụng thanh lọc và giải độc hiệu quả, giúp giảm áp lực lên hoạt động của gan. Sự kết hợp giữa mướp đắng và thịt trong thực đơn cho người bị ung thư gan sẽ giúp người bệnh có đủ dưỡng chất và năng lượng để hoạt động và phục hồi nhanh chóng.

Gà hầm nấm hương chứa nhiều đạm và chất chống oxy hóa có lợi cho gan, hỗ trợ tốt quá trình phục hồi sau điều trị ung thư
4. Các món ăn no tốt cho ung thư gan
- Cơm gạo lứt: Cơm gạo lứt sở hữu chỉ số glycemic (GI) thấp hơn so với gạo trắng thông thường. Điều này có nghĩa là loại thực phẩm này óc tác dụng duy trì mức đường huyết ổn định, giúp giảm tác động tiêu cực của tăng đường huyết lên tình trạng ung thư và tăng cường sức khỏe tổng thể. Đồng thời, gạo lứt cũng chứa polyphenol và flavonoids, giúp giảm nguy cơ phát triển và lan truyền của tế bào ung thư.
- Yến mạch: Ngoài cơm gạo lứt, yến mạch cũng là nguồn chất xơ và chất chống oxy hóa dồi dào, hỗ trợ hoạt động của gan và bảo vệ các tế bào gan khỏi gốc tự do. Bên cạnh đó, yến mạch cũng cung cấp hàm lượng cao omega-3, giúp kiểm soát các bệnh lý như gan nhiễm, thừa cân, béo phì, từ đó cải thiện tình trạng ung thư gan;
- Cơm nấu cùng các loại hạt: Cơm nấu cùng các loại hạt như đậu đen, đậu Hà Lan, hạt sen, hạt kê,… sẽ giúp tăng tải lượng đạm, chất xơ và giảm lượng đường hấp thụ vào trong cơ thể, hỗ trợ gan phục hồi trong khi điều trị ung thư.

Gạo lứt giàu chất xơ, giúp người bệnh dễ tiêu hóa và điều hòa men gan
5. Các món tráng miệng tốt cho bệnh ung thư gan
- Hoa quả tươi: Hoa quả tươi là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất dồi dào. Đối với người bị ung thư gan, vitamin A, C, E từ các loại trái cây có múi sẽ giúp bảo vệ tế bào gan khỏi căng thẳng oxy hoá và gốc tự do. Bên cạnh đó, folate trong kiwi, dứa, chuối,… đã được chứng minh là có khả năng làm giảm xơ hoá ở người bị gan nhiễm mỡ – nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư gan;
- Sữa chua không đường: Sữa chua không đường chứa nhiều probiotics (lợi khuẩn). Các lợi khuẩn này giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, cải thiện sức khỏe tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Nhờ đó, người bệnh ung thư gan hấp thụ hiệu quả hơn các dưỡng chất và phục hồi nhanh chóng hơn;
- Granola: Granola là hỗn hợp được trộn từ nhiều loại hạt và ngũ cốc sấy khô như yến mạch, hạt, đậu và hoa quả. Do đó, granola có công dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, duy trì sự ổn định đường huyết và hỗ trợ quá trình loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, granola cung cấp đa dạng chất dinh dưỡng khác như như protein, sắt, magie, vitamin E, giúp bệnh nhân ung thư gan cải thiện sức khỏe.
Công thức món ăn cho người bị ung thư gan
Dưới đây là một số công thức món ăn cho người ung thư gan bạn có thể tham khảo cho thực đơn hàng ngày của bản thân:
1. Sữa đậu nành mè đen
Nguyên liệu: 40g đậu nành, 20g mè đen, 10g đường phèn, 1 lít nước lọc.
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sơ đậu nành và ngâm qua đêm, mè đen ngâm khoảng 2 – 4 tiếng;
- Bước 2: Cho đậu nành, mè đen đã ngâm đem xay với 1 lít nước. Sau khi xay, lọc bỏ bã rồi đem nước đậu mè vừa xây đi đun sôi.
- Bước 3: Tiếp tục đun phần nước đã lọc trên lửa vừa. Đồng thời, cho đường phèn vào khuấy đều đến khi đường tan thì tắt bếp.

Sữa đậu nành mè đen là món ăn cung cấp nhiều đạm thực vật và chất béo tốt omega-3 có lợi cho gan
2. Đậu nành hạt xào nấm
Nguyên liệu: 200g đậu nành hạt (đã ngâm nở qua đêm và luộc chín), 200g nấm đùi gà, 1 củ hành tây, 2 tép tỏi băm, 1g dầu ô-liu, 5 ml xì dầu, 5g đường, 5 ml dầu mè, tiêu, muối, gia vị.
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch tất cả các nguyên liệu và cắt nhỏ theo từng miếng vừa ăn;
- Bước 2: Cho dầu ô-liu vào chảo, đun nóng trên lửa vừa;
- Bước 3: Cho hành tây và tỏi vào chảo, xào cho đến khi thơm và hành tây mềm;
- Bước 4: Thêm nấm vào chảo, xào trong khoảng 5 phút cho đến khi nấm săn lại;
- Bước 5: Bắc nồi lên bếp và đun sôi nước. Sau đó, bỏ đậu nành vào luộc chín;
- Bước 6: Thêm hạt đậu nành đã luộc vào chảo, sau đó nêm xì dầu và đường. Xào trong vài phút;
- Bước 7: Sau đó, thêm dầu mè vào chảo và trộn đều. Nêm nếm tiêu, muối và các gia vị khác theo khẩu vị.
3. Súp tôm nấm bào ngư
Nguyên liệu: 150g tôm, 1/2 củ cà rốt, 100g nấm bào ngư, 1 quả trứng gà, 500 ml nước dùng gà, hành lá, ngò, 5g bột năng, 10 ml dầu ô-liu, muối, hạt nêm.
Cách làm:
- Bước 1: Tôm rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ. Rau củ rửa sạch và cắt theo miếng vừa ăn;
- Bước 2: Cho dầu ô-liu vào chảo, đun nóng rồi phi thơm hành;
- Bước 3: Cho nấm bào ngư vào đảo đều trong 5 phút;
- Bước 4: Đổ nước dùng gà vào đun sôi. Sau đó, đổ dung dịch bột năng pha loãng vào và khuấy đều;
- Bước 5: Lần lượt bỏ cà rốt, tôm vào nấu chín;
- Bước 6: Đập trứng nồi súp và khuấy đều. Sau đó, nêm nếm gia vị vừa ăn.
4. Cháo nấm rơm thịt băm
Nguyên liệu: 100g gạo, 200g nấm rơm, 200g thịt lợn, 1 củ cà rốt, 1 tép tỏi băm, 1 quả ớt; 5 nhánh hành lá, 2 nhánh ngò rí, 2 ml dầu ô-liu, 5 ml nước mắm, gia vị thông dụng.
Cách làm:
- Bước 1: Vo gạo sau đó ngâm từ 1- 2 tiếng. Rau củ quả rửa sạch và cắt miếng vừa ăn;
- Bước 2: Phi thơm tỏi với dầu ô-liu trên lửa nhỏ. Sau đó, cho thịt vào xào cùng với cà rốt vào xào khoảng 2 phút thì cho nấm rơm vào xào chung. Nêm 5g hạt nêm, 3g đường và 5 ml nước mắm rồi xào tiếp trong 3 phút. Sau đó, tắt bếp;
- Bước 3: Phần gạo sau khi ngâm, chắt nước và để ráo trong vòng 15 phút.
- Bước 4: Cho dầu ô-liu vào nồi. Khi dầu nóng, cho gạo đã ráo nước vào rang từ 3 – 4 phút. Sau đó, đổ 1 lít nước vào nồi và nấu sôi. Khi nước sôi, vớt bọt ra, cho nấm và cà rốt vào.
- Bước 5: Nêm thêm 3g hạt nêm, 2g đường rồi khuấy đều tay cho gia vị tan hết. Thêm hành lá, tiêu và nấu thêm khoảng 3 phút nữa thì tắt bếp.

Cháo nấm rơm thịt bằm là món ăn rất thích hợp để người bệnh tiêu thụ khi gặp chứng khó nuốt – một tác dụng phụ phổ biến sau hóa trị và xạ trị gan
5. Bắp cải cuốn thịt
Nguyên liệu: 300g bắp cải, 200g thịt lợn xay/băm, 1/2 củ cà rốt, 30g nấm hương, 20g nấm mèo (mộc nhĩ), 5 ml dầu hào, hành lá, hạt nêm, tiêu xay, muối, đường.
Cách làm:
- Bước 1: Rửa sạch cà rốt và thái hạt lựu. Nấm hương và nấm mèo băm nhỏ. Bắp cải gỡ nhẹ nhàng từng lá, sau đó đem rửa sạch;
- Bước 2: Trộn thịt với cà rốt, nấm hương, nấm mèo, hành lá. Sau đó, nêm 3g hạt nêm, 5 ml dầu hào rồi trộn đều;
- Bước 3: Đun sôi một nồi nước, cho các lá bắp cải vào chần đến khi chín tới;
- Bước 4: Xúc một thìa thịt cho vào giữa lá bắp cải và gói lại như cuốn chả giò. Sau đó, dùng một cọng hành lá trần sơ để cố định cuộn bắp cải;
- Bước 5: Đem hấp các cuộn bắp cải kèm thịt.
6. Canh bắp cải nấu sườn
Nguyên liệu: 200g bắp cải, 200g sườn, hành lá, tiêu, đường, hạt nêm, muối.
Cách làm:
- Bước 1: Sườn lợn rửa sạch và chần sơ để hết chất bẩn. Sau đó, bắc một nồi nước để ninh sườn;
- Bước 2: Sau khi sườn mềm, cho bắp cải vào trong khoản 5 phút đến khi bắp cải chín;
- Bước 3: Nêm hạt tiêu, muối, đường vừa ăn và thêm hành lá.
7. Súp đậu Hà Lan
Nguyên liệu: 200g đậu Hà Lan tươi, 1 củ hành tây (băm nhuyễn), 2 – 3 tép tỏi (băm nhuyễn), 2 – 3 củ khoai tây, 1 củ cà rốt, 1 lít nước dùng, 200ml sữa tươi không đường, 2ml canh dầu ô-liu, muối, tiêu, gia vị theo khẩu vị, rau mùi.
Cách làm:
- Bước 1: Bắc nồi lên bếp, đun nóng dầu ô-liu trên lửa vừa. Sau đó, thêm hành tây và tỏi vào nồi, xào cho đến khi thơm và hành tây mềm;
- Bước 2: Tiếp theo, thêm đậu Hà Lan và các loại rau củ (khoai tây, cà rốt) vào nồi, xào trong khoảng 5 phút để các thành phần hòa quyện;
- Bước 3: Đổ nước dùng vào nồi, đun sôi. Giảm lửa và nấu súp trong khoảng 15 – 20 phút, cho đến khi các thành phần trong súp chín mềm;
- Bước 4: Dùng máy xay sinh tố hoặc máy xay thực phẩm để xay nhuyễn súp cho đến khi mịn;
- Bước 5: Giảm lửa, thêm sữa tươi và đun súp trong vài phút nữa, đảm bảo sữa được hòa quyện vào súp. Nêm nếm gia vị bằng muối, tiêu, các gia vị khác theo khẩu vị và trang trí với rau mùi.

Súp đậu Hà Lan cung cấp nhiều vitamin nhóm B giúp tăng cường chức năng gan trong khi điều trị ung thư
8. Cháo cá hồi
Nguyên liệu: 200 g cá hồi phi lê, 100 g gạo dẻo, 20 g gạo nếp, 70g đậu xanh, 1 củ gừng, 6 nhánh hành lá, 3 củ hành tím, ngò rí, 2 ml nước mắm, 5 ml dầu ô-liu, gia vị thông dụng.
Cách làm:
- Bước 1: Ngâm đậu xanh khoảng 2 – 3 tiếng với nước ấm, sau đó rửa sạch. Làm tương tự với gạo nếp;
- Bước 2: Bắc nồi lên bếp, đổ vào đó 1 lít nước vào nồi. Sau đó, cho gạo dẻo cùng gạo nếp và đậu xanh đã ngâm vào nấu chín cùng 2g muối;
- Bước 3: Vừa nấu vừa khuấy đều khoảng 15 – 20 phút. Sau khi thấy gạo và đậu xanh đã chín, tắt bếp;
- Bước 4: Cá hồi rửa sạch với nước muối loãng, sau đó rửa lại với nước cho sạch rồi để ráo. Thái hạt lựu cá hồi sau đó ướp với 3g đường, 3g hạt nêm, 2 g tiêu trong 15 phút;
- Bước 5: Bắc chảo lên bếp, cho vào chảo bạn cho 2 ml canh dầu ô-liu vào. Khi dầu nóng bạn cho 1 ít gừng và hành tím đã xắt mỏng vào đảo đều và phi thơm lên;
- Bước 6: Sau đó, cho cá hồi vào xào tơi, bạn đảo đều tay và nấu trên lửa lớn. Xào đến khi thịt cá săn lại, chuyển từ màu cam sang màu xám nhạt là được;
- Bước 7: Múc cháo ra bát, để phần cá hồi đã xào lên trên và rắc thêm chút hành lá.
9. Cháo gà cà rốt
Nguyên liệu: 500g ức gà, 1 củ cà rốt, 1/2 củ hành tây, 2 – 3 tép tỏi băm, 1.5 lít nước, 200g gạo nếp, 5 ml dầu ô-liu, muối, tiêu, gia vị theo khẩu vị.
Cách làm:
- Bước 1: Đun nóng dầu ô-liu trên lửa vừa. Phi thơm hành tây và tỏi;
- Bước 2: Tiếp theo, thêm cà rốt vào nồi, xào trong khoảng 2-3 phút. Sau đó, thêm gà vào nồi và xào cho đến khi gà chín sơ;
- Bước 3: Đổ nước dùng gà hoặc nước lọc vào nồi và đun sôi. Giảm lửa và nấu gà trong khoảng 30 – 40 phút cho đến khi gà mềm;
- Bước 4: Trong lúc gà đang nấu, rửa sạch gạo nếp và để ráo. Khi gà đã chín, lấy gà ra khỏi nồi và để nguội.
- Bước 5: Cho gạo nếp vào nồi nước dùng gà và nấu cháo trên lửa nhỏ trong khoảng 20 – 30 phút cho đến khi gạo nếp mềm và cháo sệt;
- Bước 6: Gỡ thịt gà ra khỏi xương và cắt thành từng miếng nhỏ. Khi cháo đã sệt, thêm thịt gà vào cháo và đun thêm một lát để gia vị thấm vào thịt. Nêm nếm gia vị bằng muối, tiêu và các gia vị khác theo khẩu vị.
10. Canh gà hạt sen
Nguyên liệu: 500g ức gà, 200g hạt sen khô, 1/2 củ hành tây, 2 – 3 tép tỏi băm, 1 lít nước, 1 củ cà rốt, 30g nấm hương, 5 ml dầu ô-liu, muối, tiêu, gia vị theo khẩu vị.
Cách làm:
- Bước 1: Phi thơm hành tây và tỏi. Sau đó, cho gà vào nồi, xào cho đến khi gà chín sơ;
- Bước 2: Đổ 1 lít nước vào nồi và đun sôi. Sau đó, thêm cà rốt và hạt sen vào nồi, nấu trong khoảng 10-15 phút cho đến khi cà rốt và hạt sen chín mềm;
- Bước 3: Tiếp theo, thêm nấm hương vào nồi và nấu trong khoảng 5 phút nữa;
- Bước 4: Nêm muối, tiêu và các gia vị khác cho vừa ăn. Đun thêm khoảng 2 phút thì tắt bếp.

Canh gà hạt sen cung cấp nhiều axit amin giúp duy trì chức năng gan và chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa
Gợi ý thực đơn cho người ung thư gan
Theo nguyên tắc, thực đơn cho người ung thư gan cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất cần thiết như protein, các axit béo tốt và các chất chống oxy hoá. Dưới đây là gợi ý thực đơn từ Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome:
Thực đơn cho người ung thư gan thứ 2
|
Bữa sáng
(7h00) |
Bữa trưa
(11h00) |
Bữa chiều
(17h00) |
Bữa tối
(20h00) |
Món ăn |
Cháo cá hồi (200 g cá hồi phi lê + 100 g gạo dẻo + 20 g gạo nếp + 70g đậu xanh) |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 120 g thịt bò xào súp lơ
– 200 g canh bắp cải nấu sườn
– 200 ml nước cam ép |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 125 g đậu nành hạt xào nấm
– 100 g táo |
– 200 ml sữa đậu nành mè đen/ sữa bò tiệt trùng |
Cơ cấu khẩu phần |
– Năng lượng: 1598 kcal
– Đạm: 60 g
– Đường bột: 290 g
– Béo: 22 g |
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư gan thứ 3
|
Bữa sáng
(7h00) |
Bữa trưa
(11h00) |
Bữa chiều
(17h00) |
Bữa tối
(20h00) |
Món ăn |
Bún gạo xào chay
(200 g bún khô + 100 g đậu phụ + 1 củ cà rốt + 1 củ hành tây + 20 g giá đỗ + 1/4 cây bắp cải) |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 70 g bắp cải cuốn thịt
– 150 g canh bí đỏ nấu với sườn
– 200 ml nước ép táo |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 150 g ức gà sốt chanh
– 100 g rau củ hấp (50 g súp lơ, 50 g bí đỏ)
– 100 g lê |
200 ml sữa hạnh nhân/ sữa hạt dẻ |
Cơ cấu khẩu phần |
– Năng lượng: 1605 kcal
– Đạm: 70 g
– Đường bột: 275 g
– Béo: 25 g |
Thực đơn cho người bị ung thư gan thứ 4
|
Bữa sáng
(7h00) |
Bữa trưa
(11h00) |
Bữa chiều
(17h00) |
Bữa tối
(20h00) |
Món ăn |
– Cháo tôm bí đỏ (50 g tôm + 50 g bí đỏ + 100 g gạo tẻ + 20 g gạo nếp)
– 200 ml sữa bò tiệt trùng |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 150 g trứng chiên nấm
– 200 g canh bắp cải nấu sườn
– 150 ml nước ép ổi |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 50 g cá hồi bỏ lò sốt bơ chanh
– 200 g canh cải cúc thịt băm
– 150 ml nước cam ép |
200 ml sữa công thức/ sữa bò tiệt trùng |
Cơ cấu khẩu phần |
– Năng lượng: 1565 kcal
– Đạm: 65 g
– Đường bột: 270 g
– Béo: 25 g |
Thực đơn cho người ung thư gan thứ 5
|
Bữa sáng
(7h00) |
Bữa trưa
(11h00) |
Bữa chiều
(17h00) |
Bữa tối
(20h00) |
Món ăn |
Cháo nấm rơm thịt băm
(100g gạo tẻ + 20 g gạo nếp + 100 g nấm rơm + 50 g thịt lợn) |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 100 g đậu nhồi thịt sốt cà chua
– 200 g canh gà hầm nấm
– 100 g dứa |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 50 g cá hồi hấp
– 200 g canh hến nấu rau mồng tơi
– 200 g dâu tây |
200 ml sữa đậu nành/ sữa hạt sen |
Cơ cấu khẩu phần |
– Năng lượng: 1658 kcal
– Đạm: 85 g
– Đường bột: 280 g
– Béo: 22 g |
Thực đơn cho bệnh nhân ung thư gan thứ 6
|
Bữa sáng
(7h00) |
Bữa trưa
(11h00) |
Bữa chiều
(17h00) |
Bữa tối
(20h00) |
Món ăn |
Phở gà
(150 g bánh phở + 50 g ức gà xé + hành lá) |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 100 g cá rô phi sốt cà chua
– 200 g canh tôm nấu bí
– 100 g cam canh |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 50 g cá hồi áp chảo cùng 5 ml dầu ô-liu/ dầu thực vật
– 100 g bắp cải luộc
– 200 ml nước ép cà rốt |
200 ml smoothie chuối (2 trái chuối + 150 ml sữa tươi không đường) |
Cơ cấu khẩu phần |
– Năng lượng: 1620 kcal
– Đạm: 70 g
– Đường bột: 290 g
– Béo: 20 g |
Thực đơn cho người bị ung thư gan thứ 7
|
Bữa sáng
(7h00) |
Bữa trưa
(11h00) |
Bữa chiều
(17h00) |
Bữa tối
(20h00) |
Món ăn |
– Cháo gà cà rốt (100 g gạo tẻ, 20 g gạo nếp, 100g ức gà, 1 củ cà rốt)
– 200 ml smoothie dâu (50 g dâu tây tươi + 150 ml sữa tươi không đường) |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 100 g thịt bò xào đậu đũa
– 100 g canh khoai tây cà rốt
– 200 ml nước ép lựu |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 100 g thịt heo luộc
– 100 g rau muống luộc
– 100 g bưởi |
– 200 ml sữa bò tiệt trùng/ sữa công thức |
Cơ cấu khẩu phần |
– Năng lượng: 1585 kcal
– Đạm: 65 g
– Đường bột: 275 g
– Béo: 25 g |
Thực đơn cho người ung thư gan Chủ Nhật
|
Bữa sáng
(7h00) |
Bữa trưa
(11h00) |
Bữa chiều
(17h00) |
Bữa tối
(20h00) |
Món ăn |
Bún mọc dọc mùng
(190 g bún + 50 g mọc + 50 g dọc mùng) |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 100 g cá rô phi hấp xì dầu
– 150 g canh cua rau đay
– 100 g khế |
– 2 bát cơm gạo lứt
– 100 g trứng hấp thịt băm
– 200 g canh mướp đắng
– 100 g củ đậu |
200 ml sữa bò tiệt trùng/ sữa hạt macca |
Cơ cấu khẩu phần |
– Năng lượng: 1534 kcal
– Đạm: 60 g
– Đường bột: 265 g
– Béo: 26 g |
Địa chỉ thiết kế thực đơn cho bệnh nhân ung thư gan cá nhân hóa
Cải thiện ung thư gan bằng chế độ ăn uống là một quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và khoa học. Theo đó, thực đơn cho người ung thư gan không những phải đảm bảo dinh dưỡng mà còn phải phù hợp với khẩu vị và sở thích của từng người. Do đó, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có được một thực đơn hợp lý và an toàn.
Nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng đúng cách, bạn hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn về dịch vụ Thăm khám & Thiết kế Thực đơn Dinh dưỡng chuyên biệt dành cho bệnh nhân ung thư.
Tại đây, người bệnh sẽ được thăm khám, chẩn đoán chi tiết về mức độ ung thư gan cũng như nhận được những đánh giá dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu cơ thể hiện tại. Qua đó, đội ngũ chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn, xây dựng được cho bạn một thực đơn ăn uống phù hợp với thể trạng và tình hình bệnh lý.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thực đơn cho người ung thư gan giúp bạn cải thiện sức khỏe. Hy vọng, bài viết đã cung cấp cho bạn đầy đủ kiến thức để xây dựng một chế độ ăn phù hợp và khoa học. Thực đơn cho người ung thư gan cần cung cấp đảm bảo đáp ứng đầy đủ dưỡng chất có lợi cho gan, song nên dễ tiêu để gan không bị quá tải. Cám ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình xây dựng thực đơn cho người ung thư gan, hãy liên hệ với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn và giải đáp chi tiết.