Bà bầu có nên ăn trứng ngỗng không?

17/07/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Giám đốc Y khoa miền Bắc
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Hiện nay, không khó để tìm kiếm những thông tin “bà bầu có nên ăn trứng ngỗng không” trên các trang mạng. Vậy sự thật là trứng ngỗng có giúp con khỏe mạnh và thông minh như truyền miệng hay không?

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome (khu vực miền Bắc) giải đáp thắc mắc của nhiều người về việc bà bầu có nên ăn trứng ngỗng không?

Bà bầu có nên ăn trứng ngỗng không

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, nhiều người nói rằng bà bầu nên ăn trứng ngỗng cho con thông minh. Điều này có đúng không ạ?

Trả lời:

Hiện nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được lợi ích của trứng ngỗng đối với sự phát triển trí não của thai nhi. Thực tế, mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau và không có thực phẩm nào chứa đủ tất cả các chất dinh dưỡng. 

Dù có kích thước và trọng lượng lớn hơn nhưng giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng cũng tương đương trứng gà

Xét về an toàn vệ sinh thực phẩm, trứng gà sạch hơn trứng ngỗng, vì gà đẻ trứng ở nơi khô ráo, nơi ít có vi khuẩn và ký sinh trùng, vì vậy trứng gà hạn chế lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng hơn trứng ngỗng. 

Xét về giá trị dinh dưỡng, trong 100g trứng ngỗng có khoảng 13g protein, 14.2g lipid, 360mcg vitamin A, 71mg canxi, 210mg phosphor, 3.2mg sắt; 0.15mg vitamin B1, 0.3mg vitamin B2, 0.1mg vitamin PP… So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (360 mcg so với 700mcg trong trứng gà), nhưng đây lại là vitamin cần thiết cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và lipid là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp,… 

Dinh dưỡng của trứng ngỗng

Dù có kích thước và trọng lượng lớn hơn nhưng giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng cũng tương đương trứng gà

Xét về yếu tố khẩu vị, nhiều người nhận định trứng ngỗng khó ăn hơn các loại trứng khác vì có mùi nồng và lượng nhiều gây ngán lại khó tiêu hóa. 

Xét về giá thành, trứng ngỗng đắt gấp 10 lần trứng gà.

SO SÁNH THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG TRONG TRỨNG NGỖNG VÀ TRỨNG GÀ
Hàm lượng dinh dưỡng (100g) Trứng ngỗng Trứng gà
Protein (g) 13 14.8
Lipid (g) 14.2 11.6
Vitamin A (mcg) 360 700
Canxi (mg) 71 55
Sắt (mg) 3.2 2.7

Như vậy, không có sự khác biệt lớn về giá trị dinh dưỡng giữa trứng ngỗng và trứng gà. Trứng ngỗng cũng chỉ là một trong những nguồn thực phẩm cung cấp protein. Tuy nhiên, để bé phát triển toàn diện về thể chất và trí não, mẹ không chỉ ăn trứng mà cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và đúng cách, đặc biệt là giai đoạn 1.000 ngày vàng, từ khi bắt đầu mang thai đến khi con tròn 2 tuổi. Theo đó, mẹ bầu nên ăn đa dạng thực phẩm để bổ sung đầy đủ các nhóm chất thiết yếu (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), đặc biệt tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu DHA, cholin, acid folic, acid béo,… cần cho sự phát triển não bộ của trẻ.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, giáo dục cũng góp phần nâng cao trí thông minh cho trẻ.  

> Xem thêm: Phụ nữ mang thai không nên ăn gì?

Câu hỏi: Thưa bác sĩ, bà bầu nên ăn gì cho con thông minh?

Trả lời:

Muốn tăng cường trí thông minh cho bé, mẹ nên chú ý bổ sung đầy đủ các dưỡng chất ở cả 4 nhóm: bột đường (glucid); đạm (protein); béo (lipid); các loại vitamin, chất xơ và khoáng chất cần thiết trong 3 giai đoạn của thai kỳ và thời gian cho con bú cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi. 

Dưới đây là bảng nhu cầu khuyến nghị về năng lượng và một số chất dinh dưỡng cho mẹ mang thai (có sức khỏe bình thường):

Thời gian có thai Trọng lượng bào thai Số cân mẹ bầu cần tăng Nhu cầu của người mẹ về các chất dinh dưỡng hằng ngày
Năng lượng (Kcal) Chất bột đường (g) Chất đạm (g) Chất béo

(g)

Chất xơ (g)
3 tháng đầu 100g 0 – 1kg 2100 300 – 370 61 46.5 – 58.5 28
3 tháng giữa 1kg  4 – 5kg 2300 325 – 400 70 52.5 – 64.5 28
3 tháng cuối 2kg 5 – 6kg 2500 385 – 430 91 60 – 72 28
Tổng 9 tháng 9 – 12kg
  • Ba tháng đầu thai kỳ: Theo nghiên cứu, não của thai nhi bắt đầu hình thành từ 3 tháng đầu của thai kỳ. Cụ thể, từ ngày thứ 18 của phôi thai, não đã có những mầm mống đầu tiên. Khi thai được 3 tháng tuổi, não đã có đủ các thành phần. Đặc biệt, vùng hồi hải mã (chức năng trí nhớ) phát triển trong khoảng tuần thai thứ 10 – 21. Vì thế, tổn thương cấu trúc não bộ trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ để lại di chứng thần kinh không thể phục hồi. Giai đoạn này, mẹ cần rất nhiều dưỡng chất như: acid folic, vitamin B6, vitamin B12, mangan, iod, vitamin D, cholin, sắt, kẽm… trong các thực phẩm cá hồi, trứng, thịt bò, súp lơ, các loại đậu, trái cây có nhiều múi…
  • Ba tháng giữa thai kỳ: Đây là giai đoạn não bộ tăng trưởng nhanh. Vì thế chế độ dinh dưỡng giai đoạn này cần cung cấp nhiều năng lượng và dưỡng chất giúp phát triển trí não. Lúc này, mẹ cần ưu tiên các nguồn thức ăn có hàm lượng đạm cao và có thêm chất béo như DHA – thành phần chủ yếu của các axit béo tham gia cấu tạo não bộ, hình thành màng tế bào thần kinh, tác động đến quá trình dẫn truyền thần kinh; lutein giữ vai trò phát triển nhận thức; choline cấu thành màng tế bào, tăng khả năng ghi nhớ; sắt cần thiết cho sự phát triển của các tế bào thần kinh và dẫn truyền tín hiệu; canxi cần cho sự tiếp nhận, dẫn truyền tín hiệu thần kinh… Mẹ bầu cần ăn đa dạng thực phẩm từ thịt, cá, trứng, sữa đến các loại rau xanh đậm, nấm, tảo biển…
  • Ba tháng cuối thai kỳ: Đây là giai đoạn não bộ thai nhi tăng trưởng nhanh nhất. Lúc này, kích thước và trọng lượng não tăng 6 lần so với lúc mới mang thai. Do đó, chế độ ăn của mẹ cần cung cấp nhiều năng lượng và dưỡng chất hơn nữa. 

> Tìm hiểu thêm: Dinh dưỡng cho bà bầu theo từng giai đoạn

Vì thế, bên cạnh lịch khám thai định kỳ với bác sĩ sản khoa, mẹ bầu cần có sự hỗ trợ dinh dưỡng từ các chuyên gia dinh dưỡng trong suốt thai kỳ, từ việc kiểm tra bổ sung vi chất đến xây dựng thực đơn khoa học, hướng dẫn chế biến đúng cách cũng như tư vấn vận động để tăng cường hấp thu dưỡng chất…

Tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, quy trình khám và tư vấn dinh dưỡng được xây dựng khoa học từ việc thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán, xây dựng khẩu phần đến thiết kế thực đơn cá thể hóa và hướng dẫn lựa chọn thực phẩm, chế biến món ăn khoa học, đơn giản, góp phần chăm sóc dinh dưỡng toàn diện cho phụ nữ mang thai nhằm mang đến một thai kỳ trọn vẹn và trẻ sinh ra khỏe mạnh hơn, thông minh hơn.

Rate this post
08:44 21/08/2023