Giấc ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chiều cao và trí não của trẻ. Vậy thời gian ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào là hợp lý để đảm bảo trẻ phát triển tối ưu?
Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (0 – 18 tuổi) chuẩn khoa học
Các chuyên gia cho biết, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng thể chất và trí não của trẻ ở giai đoạn đầu đời. Cụ thể, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, giấc ngủ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao, trí thông minh, chỉ số cảm xúc… của trẻ
Với trẻ lớn hơn, nhiều nghiên cứu cho thấy giấc ngủ còn ảnh hưởng đến sự tập trung học tập, hoạt động nhận thức, tâm trạng, khả năng tiếp thu kiến thức của trẻ… Vì vậy, bố mẹ cần tuân thủ thời gian ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, phát triển tối ưu.
Giấc ngủ ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng phát triển vận động và nhận thức của trẻ
Điều dễ nhận thấy nhất ở trẻ khó ngủ, ngủ không đủ giấc là hay cáu kỉnh, thường xuyên quấy khóc. Không chỉ thế, ngủ không đủ giấc còn góp phần làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch, cũng như trầm cảm ở trẻ sau này.
Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy trẻ có giấc ngủ kém khi còn nhỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch trong tương lai dưới dạng béo phì, tiểu đường và huyết áp cao. Một số trẻ có những biểu hiện giống với rối loạn tăng động, giảm chú ý.
Ở thanh thiếu niên, ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng lâu dài đến kết quả học tập, làm giảm khả năng chú ý, giảm thành tích học tập ở trường và tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.
Hiệp hội Y khoa, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ xem mất ngủ mãn tính ở thanh thiếu niên là một yếu tố nguy cơ của lạm dụng chất kích thích, mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần…
Thời gian ngủ của trẻ thay đổi tùy thuộc vào từng cá nhân và các yếu tố nhất định, bao gồm cả độ tuổi của trẻ.
Dưới đây là bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo khuyến nghị của Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (American Academy of Sleep Medicine – AASM), bố mẹ có thể tham khảo và áp dụng cho bé yêu.
Độ tuổi | Thời gian ngủ/ngày | Chi tiết |
1 – 4 tuần | 18 – 20 giờ | Mỗi giấc ngủ của trẻ khá ngắn, chỉ từ 2 – 4 tiếng. |
2 – 4 tháng | 16 – 18 giờ | Khi được 6 tuần tuổi, giấc ngủ của trẻ sẽ kéo dài hơn, từ 4 – 6 tiếng, và có xu hướng diễn ra vào buổi tối. |
4 – 12 tháng | 14 – 15 giờ | Việc thiết lập thói quen ngủ lành mạnh của trẻ ở giai đoạn này là mục tiêu chính, bởi giờ đây trẻ đã thích nghi với môi trường mới |
1 – 3 tuổi | 12 – 14 giờ | Từ 1 – 3 tuổi, trẻ vẫn ngủ một giấc ngủ ngắn mỗi ngày, có thể từ 1 – 3,5 tiếng. Buổi tối, trẻ thường đi ngủ trong khoảng 7 – 9 giờ và thức dậy trong khoảng 6 – 8 giờ sáng. |
3 – 6 tuổi | 10 – 12 giờ | Giống từ 1 – 3 tuổi. |
7 – 12 tuổi | 10 – 11 giờ | Ở lứa tuổi này, trẻ có nhiều hoạt động ở trường học và gia đình, do đó, giờ đi ngủ của trẻ dần dần trở nên muộn hơn. Hầu hết trẻ 7 – 12 tuổi thường đi ngủ lúc 9 giờ tối. |
12 – 18 tuổi | 8 – 9 giờ | Nhu cầu ngủ quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần của lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, đối với nhiều thanh thiếu niên, áp lực xã hội có thể làm trẻ ngủ không đủ giấc và thiếu chất lượng. |
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tạo thói quen đi ngủ đồng nhất mỗi ngày ở trẻ rất tốt, vì nó đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc. Theo đó, bố mẹ nên giúp trẻ tạo ra các thói quen tốt trước khi đi ngủ.
Nutrihome lưu ý bố mẹ:
Trước khi đi ngủ, nên yêu cầu trẻ đánh răng, thay đồ ngủ để tạo thói quen ngủ ngon
Nếu bố mẹ đang thực hành tạo thói quen ngủ ngon và sâu giấc cho con nhưng trẻ vẫn khó ngủ hoặc trằn trọc vào ban đêm, hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân liệu trẻ có mắc chứng khó ngủ hay không để có biện pháp can thiệp kịp thời
Với trẻ ở tuổi học đường, bố mẹ có thể yêu cầu giáo viên cập nhật tình hình của trẻ trên lớp. Nếu trẻ khó tập trung, hiếu động hoặc gặp các vấn đề trong học tập có thể cho thấy trẻ không ngủ đúng giấc.
Thời thơ ấu là giai đoạn phát triển rất quan trọng với mỗi đứa trẻ, giúp hình thành nên tính cách và khả năng vận động, suy nghĩ sau này. Do đó, bố mẹ nên chú ý theo dõi thời gian ngủ của trẻ sơ sinh, cũng như các lứa tuổi khác để sớm phát hiện vấn đề và có biện pháp can thiệp kịp thời.