Xét nghiệm và bổ sung vi chất cho trẻ như thế nào mới đúng?

19/07/2021 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Trưởng Nutrihome Trường Chinh
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Tuy chỉ chiếm một lượng rất nhỏ nhưng vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng, tham gia vào quá trình xây dựng cấu trúc, chức năng của các bộ phận cơ thể cũng như tham gia mọi hoạt động của cơ thể. Vì vậy, bổ sung vi chất cho trẻ đầy đủ, đúng cách sẽ giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Tại sao cần bổ sung vi chất cho trẻ?

Bài viết có sự tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Phạm Thị Thu Hương, Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Bác sĩ Trưởng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome

Vi chất dinh dưỡng là thành phần không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ

Vi chất dinh dưỡng là thành phần không thể thiếu cho sự phát triển của trẻ

TS.BS Phạm Thị Thu Hương cho biết: “Vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng chất, là thành phần cần thiết giúp xây dựng cấu trúc và chức năng của não bộ, xương và các cơ quan trong cơ thể. Tuy chúng chỉ chiếm một lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng nếu thiếu hoặc thừa đều gây ra những hậu quả đáng tiếc. Cụ thể, những trẻ bị thiếu vi chất sẽ chậm lớn, biếng ăn, chậm phát triển trí não, kém tập trung, suy giảm sức đề kháng. Ngược lại, tình trạng thừa vi chất ở trẻ có thể gây ra ngộ độc, rối loạn thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương, giảm trí nhớ, sụt cân..”.

Trên thế giới, vẫn còn rất nhiều khu vực có trẻ em suy dinh dưỡng do chế độ ăn hàng ngày nghèo nàn, thiếu hụt các vi chất cần thiết. Hàng triệu trẻ bị chậm phát triển về thể chất và nhận thức, mắc nhiều bệnh tật do hậu quả của việc thiếu vi chất dinh dưỡng gây ra.Do đó, việc bổ sung vi chất cho trẻ là quan trọng và cần thiết để giúp trẻ phát triển toàn diện. Việc được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và được ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày là điều kiện tiên quyết giúp cung cấp đầy đủ các loại vitamin & khoáng chất cơ thể trẻ cần.

Làm sao để biết khi nào cần bổ sung vi chất cho bé?

Tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng xảy ra khi cơ thể trẻ không hấp thu hoặc không nhận đủ các chất dinh dưỡng từ chế độ ăn hàng ngày, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe ở các cơ quan quan trọng của cơ thể như hệ tiêu hóa, da, xương, não bộ…

Để chẩn đoán chính xác tình trạng thiếu hụt và bổ sung vi chất cho trẻ , các bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:

  • Khai thác thông tin về thói quen ăn uống hàng ngày của trẻ.
  • Đánh giá các triệu chứng trên cơ thể trẻ như tiêu chảy, táo bón, tiêu ra máu, chậm tăng cân.
  • Chỉ định thực hiện một số xét nghiệm quan trọng như xét nghiệm vi chất dinh dưỡng, xét nghiệm máu…

Các vi chất dinh dưỡng trẻ em thường thiếu hụt

Dưới đây là một số loại vi chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể dễ bị thiếu hụt:

1. Thiếu sắt

Thiếu sắt là trình trạng thiếu vi chất phổ biến nhất trên thế giới. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu, gây mệt mỏi, giảm sức vận động… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 30% dân số thế giới bị thiếu máu, và hầu hết nguyên nhân là do thiếu sắt.

Trẻ thiếu sắt sẽ thường xuyên mệt mỏi, thiếu tập trung

Trẻ thiếu sắt sẽ thường xuyên mệt mỏi, thiếu tập trung

2. Thiếu Vitamin A

Vitamin A giúp tăng cường thị lực, đồng thời, đây cũng là thành phần giúp nâng cao hệ miễn dịch trong cơ thể. Theo WHO, thiếu vitamin A có thể dẫn đến giảm thị lực hoặc mù ở trẻ em. Phụ nữ mang thai bị thiếu vitamin A sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn trong quá trình mang thai.

3. Thiếu Vitamin B1

Vitamin B1 (Thiamine) là thành phần quan trọng trong hệ thần kinh của trẻ. Ngoài ra, vitamin B1 còn giúp chuyển hóa carbohydrate thành năng lượng trong cơ thể. Thiếu thiamin có thể gây ra: sụt cân, mệt mỏi, thiếu tập trung, dễ quên trong ngắn hạn, tổn thương thần kinh và cơ, ảnh hưởng chức năng của tim…

4. Thiếu Vitamin B3

Vitamin B3 (Niacin) giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng trong cơ thể. Thiếu niacin có thể dẫn đến bệnh pellagra, gây giảm trí nhớ, tiêu chảy, viêm da…

5. Thiếu Vitamin B9

Vitamin B9 (Folate) giúp cơ thể sản sinh ra hồng cầu và DNA. Ngoài ra, vitamin B9 còn giúp trí não và chức năng hệ thần kinh phát triển.

Folate rất quan trọng đối với thai nhi, đóng vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của não và tủy sống. Thiếu folate có thể dẫn đến chậm phát triển thần kinh, thể chất, thiếu máu… Do đó, bổ sung vi chất cho trẻ, đặc biệt là folate là rất quan trọng.

6. Thiếu Vitamin B12

Vitamin B12 (Cobalamin) đóng vai trò trong việc sản sinh ra tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Thiếu vitamin B12 thường xảy ra ở những đối tượng như: người ăn chay, phẫu thuật dạ dày, người trên 60 tuổi, người mắc bệnh đái tháo đường và đang uống metformin (glucophage), người có tiền căn sử dụng kéo dài thuốc trung hòa axit dạ dày (antacid), trẻ có mẹ không bổ sung đầy đủ vitamin B12 trong khi mang thai.

Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu nặng. Triệu chứng của thiếu vitamin B12 có thể gồm: mệt mỏi, cảm thấy yếu các chi, chóng mặt, khó thở, sụt cân, nôn ói hoặc ăn kém, lưỡi đau, đỏ hoặc sưng, da nhạt hoặc hơi vàng.

Thiếu vitamin B12 có thể khiến trẻ biếng ăn, sụt cân

Thiếu vitamin B12 có thể khiến trẻ biếng ăn, sụt cân

7. Thiếu Vitamin D

Theo dữ liệu từ ĐH Harvard, khoảng 1 triệu người trên toàn cầu không có đủ vitamin D trong cơ thể. Vitamin D giúp cơ thể duy trì lượng canxi cần thiết, điều hòa sự phát triển của răng và xương. Thiếu vitamin D sẽ dẫn đến thiếu tạo xương, chậm phát triển chiều cao ở trẻ, loãng xương ở người trưởng thành.

8. Thiếu canxi

Canxi cùng với vitamin D giúp phát triển răng và xương. Ngoài ra, canxi còn là thành phần không thể thiếu cho hoạt động của tim, hệ thần kinh và cơ.

Thiếu canxi thường ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng nhưng có thể dẫn đến các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Khi không hấp thụ đủ canxi từ thức ăn, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương để duy trì các hoạt động, gây ra chậm phát triển, loãng xương. Thiếu canxi còn có thể dẫn đến co giật và bất thường nhịp tim, đe dọa đến tính mạng.

Cách bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ

Có 2 nguồn bổ sung vi chất cho trẻ, đó là các thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng và các sản phẩm bổ sung vi chất dạng thuốc. Cụ thể:

1. Sản phẩm bổ sung vi chất cho trẻ

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều những sản phẩm bổ sung vi chất cho bé. Tuy nhiên, thiếu hay thừa vi chất đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Do đó, các chuyên gia khuyên, bố mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống

Để bổ sung vi chất cho trẻ đúng cách, trước tiên, bố mẹ cần biết rõ tình trạng thiếu/thừa vi chất (bằng cách đưa trẻ đi khám dinh dưỡng), từ đó, lựa chọn các sản phẩm phù hợp với tình trạng sức khỏe và độ tuổi của trẻ. Tốt nhất, nên bổ sung vi chất cho trẻ theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để tránh gây hậu quả đáng tiếc.

2. Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ

Ngoài các sản phẩm thuốc, bố mẹ có thể bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ bằng các thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày như sau:

  • Bổ sung sắt: Sắt có rất nhiều trong các loại thực phẩm màu xanh, đỏ đậm như các loại rau, củ, thịt đỏ, trứng.. Trẻ có thể hấp thu sắt dễ dàng thông qua chế độ ăn hàng ngày.
  • Vitamin A: Beta carotene đóng vai trò như chất chống oxy hóa, có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm màu đỏ, cam, vàng và xanh đậm. Beta carotene có thể chuyển hóa thành vitamin A khi cơ thể cần đến. Đối với việc bổ sung vi chất cho trẻ sơ sinh, nguồn vitamin A tốt nhất là trong sữa mẹ. Vitamin A còn được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như: sữa, trứng, rau xanh (bông cải, rau bina, cải xoăn), rau quả màu cam (cà rốt, khoai lang, bí ngô), các loại trái cây màu vàng đỏ (táo, mơ, đu đủ, đào và cà chua)…

Trái cây màu đỏ là nguồn cung cấp vitamin A rất tốt cho trẻ

Trái cây màu đỏ là nguồn cung cấp vitamin A rất tốt cho trẻ

  • Vitamin B1 (Thiamine): Có nhiều trong các loại ngũ cốc và một số nguồn khác như: trứng, các loại đậu, các loại hạt, lúa mì, thịt heo…
  • Vitamin B3 (Niacin): Trẻ có thể được bổ sung vitamin B3 từ các loại thịt, cá, gà, đậu, hạt..
  • Vitamin B9 (Folate): Bố mẹ có thể bổ sung vitamin B9 cho trẻ qua các loại thực phẩm như: các loại đậu, trái cây họ cam quýt, lá rau xanh, măng tây, thịt gia cầm và thịt lợn, động vật có vỏ như cua, ghẹ, tôm, các loại ngũ cốc, hạt…
  • Vitamin B12 (Cobalamin): Vitamin B12 giúp sản xuất hồng cầu và thúc đẩy tăng trưởng. Nguồn vitamin B12 từ thực phẩm bao gồm thịt, cá, trứng và sữa, một số loại ngũ cốc.
  • Vitamin D: Vitamin D chỉ được tìm thấy tự nhiên trong một số loại thực phẩm, bao gồm: dầu gan cá, cá béo, nấm, lòng đỏ trứng, gan… Nhiều sản phẩm từ sữa có chứa vitamin D. Tuy vậy, nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất là ánh sáng mặt trời. Theo NIH, trẻ phơi nắng vào buổi trưa từ 5 – 10 phút, 2 lần/tuần, ở các vị trí mặt, cánh tay, cổ hoặc lưng… có thể cung cấp đủ vitamin D cơ thể cần.
  • Canxi: Nguồn cung cấp canxi tốt nhất là từ sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai; đậu hũ, các loại cá, rau củ (cải xoăn, bông cải), ngũ cốc…

Trên là những thông tin về việc bổ sung vi chất cho trẻ bố mẹ nên quan tâm để có thể phòng ngừa, phát hiện sớm tình trạng thiếu vi chất, từ đó can thiệp, bổ sung vi chất kịp thời, đúng cách giúp trẻ phát triển khỏe mạnh toàn diện về cả thể chất và trí tuệ.

Rate this post
10:05 06/01/2023