Người thiếu máu không nên ăn gì, uống gì để tốt cho sức khỏe

15/05/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Thiếu máu là một bệnh lý rối loạn dinh dưỡng phổ biến hiện nay. Để cải thiện tình trạng thiếu máu, bạn không những cần quan tâm về những gì nên ăn, mà bạn cũng cần hiểu rõ người thiếu máu không nên ăn gì và người thiếu máu không nên uống nước gì. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về danh sách các thực phẩm cần tránh, đồng thời đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống phù hợp để cải thiện tình trạng thiếu máu.

người thiếu máu không nên ăn gì

Người thiếu máu không nên ăn gì để nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh?

Thiếu máu là tình trạng máu không chứa đủ hàm lượng huyết sắc hemoglobin – một loại protein chịu trách nhiệm vận chuyển oxy từ phổi đến các mô và tế bào khác trong cơ thể. Vì thế, thiếu máu có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe một cách nghiêm trọng. Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng điển hình như mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, đau đầu và khiến da dẻ xanh xao.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh thiếu máu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe trầm trọng hơn, chẳng hạn như gây sa sút trí tuệ, suy tim, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ tử vong vì các mầm bệnh viêm nhiễm. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị thiếu máu kịp thời là việc làm rất quan trọng để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Mỗi nguyên nhân gây thiếu máu khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau. Song, dù bạn bị thiếu máu từ bất kỳ nguyên nhân gì đi nữa, thì việc cải thiện tình trạng bệnh bằng cách xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học vẫn luôn là phương pháp điều trị hàng đầu được nhiều bác sĩ khuyến nghị.

Để xây dựng được một chế độ dinh dưỡng tốt, giúp điều trị bệnh thiếu máu hiệu quả thì trước tiên, bạn cần hiểu rõ người thiếu máu không nên ăn gì, hạn chế ăn gì hoặc người thiếu máu không nên uống gì trong suốt thời gian khắc phục tình trạng bệnh.

Người thiếu máu không nên ăn gì: 6 nhóm thực phẩm cần tránh

Để trả lời câu hỏi người thiếu máu không nên ăn gì, Ths.Bs Nguyễn Anh Duy Tùng – Bác sĩ tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome cho biết, một khi đã bị thiếu máu, người bệnh cần tránh tiêu thụ các loại thực phẩm khiến cơ thể hạn chế hấp thu sắt, làm rối loạn quá trình sản xuất hồng cầu hoặc khiến cơ thể nhanh chóng bị mất chất sắt. Theo đó, các loại thực phẩm này gồm:

1. Người thiếu máu không nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi

Người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều canxi cùng lúc với thực phẩm chứa nhiều sắt, vì loại khoáng chất này có khả năng ức chế quá trình hấp thụ sắt ở niêm mạc ruột. Trong thực phẩm, sắt thường tồn tại dưới 2 dạng là sắt heme (hữu cơ) – thường được chứa trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và sắt non-heme (vô cơ) – thường được chứa trong các loại rau củ quả thực vật.

Theo nghiên cứu, bổ sung canxi vào bữa ăn có thể làm khả năng hấp thụ của ruột với sắt hữu cơ giảm xuống khoảng 20%, với tổng lượng sắt trong bữa ăn giảm xuống khoảng 25%. Do đó, đến gần thời điểm uống thuốc sắt hoặc trong bữa ăn có quá nhiều thực phẩm giàu sắt, người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều canxi, chẳng hạn như sữa bò tươi, sữa chua, phô mai, kem béo, sữa whey protein, đậu hũ, đậu nành, cá mòi, hạnh nhân,…

Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, canxi là một khoáng chất quan trọng cho sức khỏe của xương và răng. Vì vậy, bạn không nên cắt bỏ hoàn toàn canxi khỏi chế độ ăn uống. Thay vào đó, người bệnh thiếu máu nên cân nhắc phân bổ thời điểm tiêu thụ canxi và thực phẩm giàu sắt trong ngày sao cho hợp lý. Ví dụ, bạn có thể ăn thực phẩm giàu sắt vào bữa sáng và bữa trưa, sau đó ăn thực phẩm giàu canxi vào bữa tối để giảm thiểu sự cạnh tranh giữa hai khoáng chất này trong hệ tiêu hóa.

Người thiếu máu không nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi

Người bị thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều canxi vào thời điểm bổ sung chất sắt

2. Thiếu máu không nên ăn thực phẩm nhiều tanin

Người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều tanin vì nó có khả năng kết hợp với sắt, tạo thành các phức hợp tanin – sắt không thể được cơ thể hấp thụ; từ đó, làm giảm khả năng hấp thu sắt trong cơ thể và làm trầm trọng thêm bệnh thiếu máu. Tanin chủ yếu được tìm thấy trong các loại trà (đặc biệt là trà đen), cà phê, rượu nho, nho đỏ, quả lựu, sô-cô-la và một số loại rau củ.

Nghiên cứu cho thấy, uống trà và uống cà phê trong khi ăn có thể làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể lần lượt là 62% và 35%. Do đó, để giảm thiểu tác dụng tiêu cực của tanin đối với việc hấp thu sắt, người thiếu máu có thể:

  • Giảm lượng tiêu thụ các loại thực phẩm giàu tanin, đặc biệt là khi ăn cùng với thực phẩm chứa sắt.
  • Phân tách thời gian ăn uống giữa thực phẩm giàu tanin và thực phẩm giàu sắt. Ví dụ, bạn có thể uống trà hoặc cà phê ít nhất từ 1 – 2 giờ sau bữa ăn chứa sắt.

Lưu ý, mặc dù tanin có thể gây trở ngại cho việc hấp thu sắt nhưng chúng cũng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe quan trọng như chống oxy hóa, chống viêm, bảo vệ sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa ung thư. Do đó, bạn không nên hoàn toàn loại bỏ tanin khỏi chế độ ăn uống, mà chỉ cần điều chỉnh cách tiêu thụ để giảm ảnh hưởng tiêu cực đối với việc hấp thu sắt.

Thiếu máu không nên ăn thực phẩm nhiều tanin

Người thiếu máu không nên uống gì chứa nhiều tanin trong bữa ăn, chẳng hạn như cà phê vì hợp chất này làm giảm hiệu quả hấp thụ sắt xuống 35%

3. Người thiếu máu không nên ăn thực phẩm giàu Phytates

Người bị thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều phytates bởi đây là một trong những hợp chất có khả năng ức chế sự hấp thu sắt mạnh mẽ nhất được tìm thấy trong thực phẩm. Phytates (hay axit phytic) là một hợp chất hữu cơ tự nhiên được tìm thấy chủ yếu trong các loại hạt, các loại đậu và ngũ cốc. Vào hệ tiêu hóa, phytates có khả năng kết hợp với sắt và một số khoáng chất khác, tạo thành các phức hợp khiến cơ thể không thể hấp thu được; do đó làm giảm khả năng hấp thu sắt và khiến bệnh thiếu máu trầm trọng hơn.

Theo nghiên cứu, việc loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm giàu phytates có nguồn gốc từ ngũ cốc và đậu có thể làm tăng tỷ lệ hấp thu sắt trong bữa ăn lên gấp 12 lần. Do đó, bạn không nên ăn các loại thực phẩm giàu phytates cùng thời điểm với việc bổ sung sắt.

Trong trường hợp bất khả kháng phải ăn thực phẩm giàu phytates chung với thời điểm uống thuốc sắt, bạn có thể uống thuốc sắt cùng với các loại thực phẩm giàu vitamin C bởi loại vitamin này được chứng minh là có thể khắc phục tác động tiêu cực của axit phytic đối với sự hấp thụ sắt.

Người thiếu máu không nên ăn thực phẩm giàu Phytates

Người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều phytates trong thời điểm bổ sung sắt, chẳng hạn như lúa mì, yến mạch, ngô, gạo lứt,…

4. Thiếu máu không nên ăn nhiều thực phẩm chứa Polyphenol

Polyphenol là một nhóm hợp chất mà trong công thức phân tử chứa nhiều vòng benzen nối tiếp nhau. Trong thực phẩm, polyphenols thường có nhiều trong các loại trà, chẳng hạn trà xanh và trà đen (hồng trà). Bên trong trà, một trong những hợp chất polyphenols nổi tiếng được nhiều người biết đến nhờ khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ đó là hợp chất Epigallocatechin-3-Gallate – hay còn gọi là EGCG.

Theo nghiên cứu, việc tiêu thụ trà xanh (hoặc hồng trà) có hàm lượng EGCG cao hơn 0.46 mg/L EGCG có thể làm giảm đáng kể tốc độ vận chuyển của ion sắt heme trong tế bào ruột người. Do đó, bạn chỉ nên uống trà trước hoặc sau bữa ăn ít nhất từ 60 – 120 phút để tăng cường khả năng hấp thụ sắt.

Đồng thời, bạn tuyệt đối không nên uống các loại thuốc bổ sung sắt với nước trà. Trong tình huống bất khả kháng, nếu phải uống trà cùng lúc với việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu chất sắt, bạn nên tiêu thụ kèm theo sau các loại thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như uống một cốc nước ép cam, nước ép chanh hoặc ăn một loại trái cây giàu vitamin C như kiwi, dâu tây, quýt, bưởi,…để cải thiện hiệu suất hấp thụ sắt trong đường ruột.

Thiếu máu không nên ăn nhiều thực phẩm chứa Polyphenol

Người bị thiếu máu không nên uống gì chứa nhiều polyphenol trong bữa ăn, chẳng hạn như trà vì hợp chất này sẽ ngăn cản quá trình hấp thụ sắt

5. Người thiếu máu nên kiêng ăn thực phẩm nhiều axit oxalic

Axit oxalic là một axit hữu cơ có trong nhiều loại thực phẩm như rau xanh (cải bó xôi, rau dền, rau đay,…), rau củ quả (củ cải đỏ, cà chua, cà rốt, bắp cải, cải thảo, ớt chuông,…), các loại hạt, đậu (đậu phộng, hạt điều, hạt hạnh nhân, đậu nành, đậu lăng,…), ngũ cốc (lúa mì, lúa mạch, cám yến mạch,…), sô-cô-la, trà đen, trà xanh, cà phê, rau mùi, hạt tiêu và hành tây.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều oxalate bởi sau khi tiến vào ruột non, hợp chất oxalate thường kết hợp với canxi và sắt để tạo thành phức hợp muối canxi oxalat hoặc sắt oxalat; từ đó, làm suy giảm mật độ khoáng chất và ngăn cản sắt hấp thụ sắt và canxi của cơ thể. Do đó, để tăng cường hấp thụ sắt, bạn có thể:

  • Ăn rau nấu chín kỹ vì nấu chín có thể giảm mức độ axit oxalic trong thực phẩm;
  • Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu axit oxalic khi ăn cùng với thực phẩm chứa sắt.

Thực phẩm giàu axit oxalic cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng khác và lợi ích cho sức khỏe. Vì vậy, bạn không nên hoàn toàn loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống. Thay vào đó, người thiếu máu nên cân nhắc điều chỉnh thời điểm tiêu thụ để giảm ảnh hưởng gây tiêu cực đến việc hấp thu sắt.

Mặt khác, bạn cũng cần lưu ý rằng không phải tất người bệnh thiếu máu đều cần hạn chế tiêu thụ axit oxalic. Chỉ những người thiếu máu do sỏi thận, bệnh không dung nạp gluten (celiac) và hội chứng rối loạn hấp thu mới cần phải kiểm soát lượng axit oxalic trong chế độ ăn uống của họ. Tốt nhất, trong mọi trường hợp, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra quyết định lựa chọn thực phẩm phù hợp.

Người thiếu máu nên kiêng ăn thực phẩm nhiều axit oxalic

Người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều oxalate, chẳng hạn như sô-cô-la hoặc cacao quá gần thời điểm bổ sung sắt

6. Bị thiếu máu không nên ăn thực phẩm chứa nhiều gluten

Không phải tất cả người bệnh thiếu máu đều cần tránh thực phẩm chứa nhiều gluten. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhất là khi bạn bị mắc bệnh thiếu máu do hội chứng rối loạn tự miễn không dung nạp gluten (bệnh celiac), việc hạn chế gluten trong chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu.

Bệnh celiac là một tình trạng mà cơ thể phản ứng bất thường với gluten – một loại protein được tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác. Khi người mắc bệnh celiac tiêu thụ gluten, hệ miễn dịch tấn công và gây tổn thương niêm mạc ruột non, dẫn đến việc giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng, bao gồm sắt, vitamin B12, axit folic và các khoáng chất khác.

Do đó, người thiếu máu có bệnh celiac nên tránh tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều gluten để giảm thiểu tổn thương niêm mạc ruột non, giúp cải thiện khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời hỗ trợ điều trị thiếu máu.

Nếu bạn bị thiếu máu nhưng không mắc bệnh celiac hoặc không có vấn đề về hệ tiêu hóa liên quan đến gluten, bạn không nhất thiết phải hạn chế thực phẩm chứa gluten trong chế độ ăn uống của mình. Trong trường hợp này, việc tập trung tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu sắt, vitamin B12 và axit folic sẽ là giải pháp quan trọng hơn để cải thiện tình trạng thiếu máu.

Bị thiếu máu không nên ăn thực phẩm chứa nhiều gluten

Người thiếu máu không nên ăn gì chứa quá nhiều gluten nếu nguyên nhân gây thiếu máu là do bệnh celiac

7 thực phẩm người thiếu máu không nên ăn uống

Nhìn chung, người bệnh thiếu máu không nên ăn uống bất kỳ loại thực phẩm nào có nguy cơ gián tiếp làm sức khỏe bất ổn hoặc trực tiếp làm chậm quá trình sản xuất hồng cầu và điều trị bệnh thiếu máu. Cụ thể, 7 loại thực phẩm mà người thiếu máu không nên ăn uống bao gồm:

1. Đồ ăn chế biến sẵn, đóng hộp, bảo quản lâu ngày

Mặc dù đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp và bảo quản lâu ngày không phải là nguyên nhân chính gây nên bệnh thiếu máu, nhưng nếu bạn đã bị thiếu máu, bạn không nên tiếp tục tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm này. Nguyên nhân là vì:

  • Thiếu vitamin và khoáng chất: Đồ ăn chế biến sẵn và thực phẩm đóng hộp thường thiếu nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, bao gồm vitamin B12, axit folic, sắt và đồng – đây đều các chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình sản xuất huyết sắc tố hemoglobin và ngăn ngừa bệnh thiếu máu.
  • Phụ gia và chất bảo quản: Thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn thường chứa các phụ gia và chất bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ của sản phẩm. Một số chất bảo quản có thể gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nói chung và quá trình hấp thu sắt nói riêng.
  • Natri cao: Để làm hương vị đậm đà và kéo dài tuổi thọ, đồ ăn chế biến sẵn và thực phẩm đóng hộp thường có hàm lượng muối (natri) cao. Việc tiêu thụ nhiều muối có thể dẫn đến tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác, không trực tiếp liên quan đến bệnh thiếu máu nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát và gây khó khăn cho việc điều trị thiếu máu của bạn.
thiếu máu tránh đồ ăn chế biến sẵn, đóng hộp, bảo quản lâu ngày

Người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều chất bảo quản, được chế biến sẵn và đóng hộp lâu ngày

2. Người thiếu máu không nên ăn các loại thức ăn nhanh

Để tối ưu chi phí sản xuất, các loại thức ăn nhanh thường sử dụng các loại chất béo công nghiệp có giá thành rẻ trong quá trình sản xuất, trong đó chứa rất nhiều cholesterol và transfat. Việc tiếp tục tiêu thụ các loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ này có thể khiến bạn tăng nguy cơ béo phì. Nghiên cứu cho thấy, tình trạng dư thừa mỡ (béo phì) có thể phá vỡ cân bằng nội môi của chất sắt trong cơ thể và làm trầm trọng thêm bệnh thiếu máu do thiếu sắt của bạn.

3. Thiếu máu không nên ăn đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường

Nghiên cứu cho thấy, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể làm cho các phân tử đường glucose bị kẹt nhiều hơn vào trong tế bào huyết sắc tố A1C (HbA1c), điều đó vô tình khiến cho kết quả xét nghiệm HbA1c trong máu của người bệnh thiếu máu do thiếu sắt luôn ở mức cao hơn người bình thường.

Nếu tiếp tục ăn nhiều đồ ngọt và thực phẩm chứa đường trong thời gian dài, lượng đường huyết trong máu của bạn sẽ luôn được giữ ở mức cao, khiến cơ thể gia tăng phản ứng viêm, gây suy thận, viêm mạch máu và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu của bạn theo 2 cơ chế sau:

  • Suy thận: Khiến thận không thể tiết ra một loại hormone gọi là erythropoietin (EPO), có nhiệm vụ báo hiệu cho tủy xương sản xuất thêm hồng cầu để điều trị thiếu máu; từ đó, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu máu;
  • Viêm mạch máu: Mạch máu bị viêm ngăn không cho tủy xương nhận được tín hiệu EPO từ thận để tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn, làm mức độ thiếu máu ngày càng nặng hơn.

Do đó, thay vì thường xuyên ăn đồ ngọt và thực phẩm chứa nhiều đường, bạn có thể tăng cường ăn các loại thực phẩm chứa đường phức hợp để kiểm soát đường huyết tốt hơn, chẳng hạn như khoai lang, khoai tây, yến mạch, lúa mì, gạo lứt, ngũ cốc, các loại hạt và các loại đậu,…

Thiếu máu không nên ăn đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường

Người thiếu máu không nên ăn gì chứa nhiều đường

4. Người bị thiếu máu không nên ăn đồ ăn nhiều muối, gia vị

Việc ăn quá nhiều muối và gia vị sẽ làm cho huyết áp của bạn tăng cao. Nghiên cứu cho thấy, ở những bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp mãn tính, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và thiếu máu luôn ở mức cao hơn những người có thể kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Do đó, một khi bạn đã mắc bệnh thiếu máu, bạn nên hạn chế tối đa việc ăn muối, gia vị và đồ ăn quá mặn để kiểm soát huyết áp tốt hơn. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một người trưởng thành khỏe mạnh không nên tiêu thụ quá 5g muối ăn mỗi ngày để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh.

5. Người thiếu máu không nên uống rượu bia

Người bị thiếu máu không nên uống gì chứa nhiều cồn (alcohol), chẳng hạn như rượu, bia vì chúng mang tới nhiều tác dụng phụ nguy hiểm đối với các loại tế bào máu của con người. Ví dụ, uống nhiều rượu có thể gây ức chế quá trình sản xuất tế bào máu và khiến các tế bào tiền thân của hồng cầu bị khiếm khuyết về mặt hình dạng hoặc chức năng.

Theo nghiên cứu, những người nghiện rượu thường có các tế bào hồng cầu khiếm khuyết, sức sống yếu nên thường bị cơ thể đào thải sớm. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thiếu máu tán huyết – một bệnh lý thiếu máu xảy ra khi số lượng tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn số lượng hồng cầu được cơ thể sản xuất ra. Do đó, người thiếu máu tuyệt đối không nên uống rượu, bia hoặc nước giải khát có chứa cồn để tiến trình điều trị thiếu máu diễn ra trọn vẹn hơn.

6. Người bị thiếu máu không nên uống đồ uống chứa caffeine

Nghiên cứu cho thấy, uống một tách cà phê trong bữa ăn với món chính là một chiếc bánh mì có thể làm giảm từ 60 – 90% khả năng hấp thụ sắt của tế bào ruột. Không những thế, một nghiên cứu lớn hơn còn cho thấy, việc tiêu thụ một tách cà phê mỗi tuần ở những người cao tuổi có thể làm giảm 1% nồng độ ferritin – một loại protein biểu thị cho khả năng dự trữ sắt trong gan. Do đó, người thiếu máu không nên uống nước gì chứa nhiều caffeine bởi tiêu thụ đồ uống chứa nhiều caffeine không những ngăn cản cơ thể hấp thu sắt mà còn làm sụt giảm trữ lượng sắt sẵn có trong cơ thể.

Người bị thiếu máu không nên uống đồ uống chứa caffeine

Người thiếu máu không nên uống gì chứa nhiều caffeine vì hợp chất này làm suy giảm trữ lượng sắt trong cơ thể

7. Người thiếu máu nên tránh chế biến các món ăn chín quá kỹ

Khi chế biến thực phẩm chín quá kỹ, một số chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin C, vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6, B9, B12), khoáng chất và các chất chống oxy hóa khác có thể bị phân hủy hoặc giảm đi đáng kể. Điều này gây tác động đặc biệt tiêu cực đối với người bị thiếu máu. Nguyên nhân là vì cơ thể của người thiếu máu cần duy trì một hàm lượng sắt, vitamin B12 và axit folic nhất định để cải thiện tình trạng bệnh. Nếu thiếu các vi chất quan trọng kể trên, tình trạng thiếu máu sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Ăn gì để không bị thiếu máu?

Thiếu máu nên ăn gì? Để cải thiện tình trạng thiếu máu, người bị thiếu máu nên tập trung vào việc ăn uống chế độ dinh dưỡng đa dạng, bao gồm nhiều loại thực phẩm tươi sống, giàu vitamin, khoáng chất, đặc biệt là sắt, vitamin B12 và axit folic. Dưới đây là một số thực phẩm và nhóm thực phẩm giúp hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu:

1. Thực phẩm giàu sắt

Sắt là thực phẩm bổ máu vì đây thành phần chính cấu tạo nên tế bào hồng cầu trong máu. Trong thực phẩm, sắt thường tồn tại dưới 2 dạng:

  • Sắt heme (hữu cơ): Đây là dạng sắt dễ hấp thu, chủ yếu có trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt đỏ (bò, cừu, dê, nai), thịt gia cầm (gà, vịt), cá và hải sản (cá ngừ, cá hồi, mực, sò, tôm, hàu).
  • Sắt non-heme (vô cơ): Đây là dạng sắt có từ nguồn thực vật, có trong các loại đậu (đậu đỏ, đậu lăng), các loại rau có màu xanh đậm (cải bó xôi, rau dền, rau đay, bông cải xanh, rau muống,…), ngũ cốc nguyên hạt (hạt quinoa, yến mạch, gạo lứt,…) và các loại hạt (hạt bí, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, hạt óc chó,…).

2. Thực phẩm giàu vitamin B12

Thiếu vitamin B12 sẽ khiến cơ thể không thể sản xuất đủ tế bào máu, gây ra bệnh thiếu máu. Vitamin B12 thường có nhiều trong thịt gia súc (bò, lợn, dê), thịt gia cầm (gà, vịt), cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá trích), hải sản (sò, tôm, hàu), sữa và sản phẩm từ sữa (sữa, phô mai, sữa chua) và trứng.

3. Thực phẩm giàu folate

Folate (hay còn gọi là vitamin B9) là loại vitamin giúp các tế bào máu trưởng thành, biệt hóa và phát triển khỏe mạnh. Vitamin B9 có nhiều trong các loại rau xanh lá đậm (cải bó xôi, rau má, rau dền, xà lách romaine, bắp cải brussels,…), các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu nành,…), các loại hạt (hạt óc chó, hạt điều, hạt hạnh nhân, hạt mè,…), ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, lúa mạch, ngô,…), trái cây (cam, dâu, chuối,…).

4. Thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu sắt vô cơ chứa trong rau củ quả. Bạn có thể tăng cường vitamin C trong khẩu phần ăn bằng cách ăn các loại trái cây như cam, bưởi, chanh, dâu tây, kiwi, xoài, dưa hấu hoặc các loại rau có màu xanh lá đậm như cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn, rau má,…

Trên đây là những thông tin quan trọng về các loại thực phẩm mà người thiếu máu nên tránh ăn để giảm nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Theo đó, để duy trì một chế độ ăn uống tốt và hỗ trợ điều trị thiếu máu, bạn nên lưu ý ăn nhiều các loại thực phẩm giàu sắt, vitamin B12 và axit folic.

Trong khi nỗ lực cải thiện chế độ ăn uống, bạn cũng không nên quên tầm quan trọng của việc tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Họ sẽ giúp bạn hiểu rõ người thiếu máu không nên ăn gì, đồng thời đưa ra một chế độ dinh dưỡng khoa học giúp cho người thiếu máu nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn. Tốt nhất, bạn có thể đến với Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn kịp thời. Nutrihome xin chúc bạn thật nhiều sức khỏe và hẹn gặp bạn tại cơ sở Nutrihome gần nhất!

5/5 - (1 bình chọn)
16:39 15/05/2023