Thiếu kẽm: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

15/05/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Nếu bị thiếu kẽm, chúng ta sẽ dễ mắc bệnh, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và thể trạng. Vì kẽm vốn là vi chất quan trọng, cần thiết với tất cả mọi người. Kẽm giúp hệ thống miễn dịch thêm vững mạnh, hỗ trợ tích cực vào sự phát triển ở thời thơ ấu,… Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu kẽm là gì? Dấu hiệu thiếu kẽm thế nào, cách chẩn đoán, chữa trị ra sao? Thiếu chất kẽm nên ăn gì để bổ sung? Hãy cùng Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome tìm hiểu trong bài viết này.

thiếu kẽm

Chúng ta cần biết nguyên nhân, dấu hiệu, cách chẩn đoán và chữa trị tình trạng thiếu kẽm

Thiếu kẽm là gì?

Thiếu kẽm là tình trạng không có đủ khoáng chất kẽm trong cơ thể. Kẽm có vai trò quan trọng và cần thiết đối với hệ miễn dịch, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, chữa lành vết thương. Loại khoáng chất này còn hữu ích cho sự phát triển, tăng trưởng của mỗi người trong các thời kỳ bào thai, thơ ấu và ở tuổi thanh thiếu niên.

Nguyên nhân thiếu kẽm

Thiếu kẽm không phải tình trạng hiếm gặp. Bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị thiếu loại khoáng chất này, ảnh hưởng không tốt đến thể trạng, sức khỏe. Nhìn chung, vấn đề thiếu kẽm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như:

1. Chế độ dinh dưỡng thiếu kẽm

  • Khẩu phần ăn uống của một số người không đáp ứng đủ nhu cầu kẽm hàng ngày. Tình trạng này thường xuất hiện ở nơi đang hoặc kém phát triển, có nhiều trường hợp bị suy dinh dưỡng.
  • Người ăn chay hay duy trì việc ăn kiêng trong thời gian dài có nhiều rủi ro bị thiếu kẽm. Cụ thể là vì chế độ ăn uống của nhóm người này dễ bị thiếu protein. Mà protein lại có khả năng hỗ trợ cơ thể hấp thụ kẽm. Ngoài ra, phytate của các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch,… (vốn là thực phẩm thường xuất hiện trong khẩu phần ăn chay) có thể làm khả năng hấp thụ kẽm suy giảm.
  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong hơn 6 tháng hoặc có chế độ ăn kiêng cũng đối mặt với nguy cơ bị thiếu kẽm. Vì nhu cầu kẽm của trẻ lúc này cao hơn so với nguồn dưỡng chất được cung cấp. Khẩu phần ăn uống bị hạn chế sẽ khiến trẻ không nhận đủ lượng kẽm mà cơ thể cần.
Nguyên nhân thiếu kẽm, chế độ ăn chay

Người ăn chay có nguy cơ bị thiếu kẽm

2. Mắc bệnh mạn tính

Một số bệnh mạn tính thì có khả năng bị thiếu kẽm, ví dụ như loét dạ dày, hồng cầu hình liềm, tiểu đường, gan mạn tính, thận mạn tính, tiêu chảy mạn tính, celiac, ung thư, crohn, bệnh về tuyến tụy, nghiện rượu,…

3. Tuổi tác

Người cao tuổi có nguy cơ bị thiếu kẽm vì không thể ăn một vài loại thực phẩm. Ngoài ra, việc người cao tuổi sử dụng một số loại thuốc cũng khiến cơ thể gia tăng quá trình giải phóng kẽm, ví dụ như thuốc lợi tiểu thiazide, hydrochlorothiazide.

4. Nhu cầu kẽm của cơ thể gia tăng

Phụ nữ trong lúc mang thai và ở giai đoạn cho con bú sẽ có nhu cầu kẽm tăng cao hơn bình thường. Cụ thể, trong thời gian này, nhu cầu kẽm sẽ tăng gấp đôi, mỗi ngày cơ thể sẽ mất đi 2 mg kẽm, kéo dài khoảng 2 tháng sau sinh. Nhu cầu kẽm cũng cao hơn ở các bé sinh non. Vì cơ thể dự trữ kẽm chưa đầy đủ, tỷ lệ trao đổi chất cao hơn,…

5. Di truyền

Một số người có thể gặp dạng thiếu kẽm di truyền (acrodermatitis enteropathica). Chứng bệnh này khiến cơ thể hấp thụ kẽm kém đi. Theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh ước tính là 1/500000 ca sinh, mức độ ảnh hưởng gần như đều nhau giữa nam và nữ.

Ai dễ bị thiếu kẽm?

Như đã đề cập ở phần trên, bất kỳ ai cũng có thể bị thiếu kẽm. Đặc biệt là nhóm người có yếu tố nguy cơ. Trong đó, những đối tượng dưới đây sẽ đối mặt với nguy cơ bị thiếu kẽm cao hơn cả, cụ thể gồm có:

  • Trẻ sơ sinh đang bú mẹ: Ở giai đoạn này trẻ cần được cung cấp đủ kẽm để phát triển một cách nhanh chóng, khỏe mạnh. Tình trạng thiếu kẽm ở trẻ sẽ làm sức đề kháng suy giảm, hạn chế phần nào khả năng tăng trưởng chiều cao, cân nặng, tiềm ẩn nguy cơ dậy thì trễ, ảnh hưởng đến chức năng sinh dục. Do đó, phụ nữ nên bổ sung kẽm ở cả hai giai đoạn là mang thai và sau khi sinh (nếu cho con bú).
  • Người cao tuổi: Khả năng hấp thụ kẽm ở người cao tuổi thấp hơn so với nhóm người trẻ. Chưa kể người lớn tuổi còn gặp khó khăn trong việc ăn uống, phải kiêng một số thực phẩm. Người cao tuổi thiếu kẽm sẽ khiến chức năng miễn dịch bị ảnh hưởng, dễ mắc bệnh truyền nhiễm, cúm, viêm phổi,…
  • Người nghiện rượu: Chức năng gan của người nghiện rượu giảm nên sẽ dễ bị thiếu kẽm. Bên cạnh đó, quá trình thải kẽm qua đường nước tiểu cũng gia tăng, gây ra tình trạng thiếu hụt loại khoáng chất này.

Dấu hiệu thiếu kẽm

Dấu hiệu thiếu kẽm cũng khá đa dạng và dễ nhận biết. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lý này dễ dàng thông qua các biểu hiện thiếu kẽm. Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị thiếu kẽm mà bạn cần lưu ý:

1. Rụng tóc

Nếu bạn thường xuyên bị rụng tóc mà không phải do nấm da đầu hoặc mắc phải các căn bệnh có liên quan thì khả năng cao là vì cơ thể thiếu kẽm. Khi vấn đề thiếu hụt này chưa diễn ra nghiêm trọng thì bạn chỉ thấy tóc dễ xơ rối, kém bóng mượt.

Dấu hiệu thiếu kẽm

Thiếu kẽm cũng có thể khiến bạn bị rụng tóc

2. Móng chân, móng tay giòn, dễ gãy, có đốm trắng

Những đốm trắng trên móng chính là dấu hiệu thiếu kẽm quan trọng. Kẽm phải được bổ sung mỗi ngày với lượng ổn định, phù hợp, đáp ứng nhu cầu của cơ thể mới không tác động đến sự phát triển của mô và tế bào.

3. Loét miệng

Người thiếu kẽm cũng có thể bị loét miệng. Tuy nhiên tình trạng này cũng có khả năng xuất phát từ lý do khác, bạn cần tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ trước khi bổ sung thêm kẽm.

4. Mụn cùng những vấn đề khác ở da

Trên thực tế, hiện có nhiều loại mỹ phẩm và phương pháp sử dụng kẽm để ngăn chặn, phòng ngừa mụn trứng cá, nâng cao đề kháng cho làn da. Nếu thấy những tổn thương do mụn lâu lành, chậm đóng vảy thì rất có thể bạn đã bị thiếu hụt kẽm.

Ngoài ra, các thay đổi trên da tương tự như vết chàm cũng có thể là do thiếu kẽm. Lúc này, da sẽ bị sần sùi, có vết nứt, thường xuất hiện tại vùng mặc tã, quanh miệng, tay. Đôi khi tình trạng phát ban nhưng không thể cải thiện bằng kem steroid, dưỡng ẩm thì cũng có khả năng là vì cơ thể bị thiếu kẽm.

5. Yếu xương

Hầu hết các trường hợp bị yếu xương sẽ không đề cập nhiều đến nguyên nhân thiếu hụt kẽm. Thế nhưng nếu đã bổ sung dinh dưỡng và canxi mà tình trạng bệnh vẫn chưa cải thiện thì nên nghĩ đến vấn đề bị thiếu kẽm.

6. Những biểu hiện thiếu kẽm khác

Bạn có thể đang bị thiếu kẽm nếu gặp phải các dấu hiệu như ăn mất ngon, thường cảm thấy cáu kỉnh, dễ mắc bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy, gặp vấn về mắt, liệt dương (với nam giới), giảm cân chưa rõ nguyên nhân, vị giác và khứu giác hạn chế,…

Chẩn đoán thiếu kẽm

Rất khó để bác sĩ có thể chẩn đoán, phát hiện tình trạng thiếu kẽm bằng phương pháp xét nghiệm máu đơn thuần. Vì kẽm được phân phối trong các tế bào của cơ thể dưới dạng vi lượng. Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh thiếu kẽm sẽ chỉ định cho làm xét nghiệm huyết thanh để mang đến kết quả chuẩn xác. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần làm phân tích sợi tóc hoặc xét nghiệm nước tiểu để đo lường hàm lượng kẽm.

Thiếu kẽm đôi khi là triệu chứng của bệnh lý khác. Điển hình như vì một số vấn đề nào đó mà kẽm đã qua xử lý trong cơ thể nhưng không được hấp thụ thuận lợi. Tình trạng thiếu kẽm cũng có khả năng dẫn đến chứng thiếu hụt khoáng chất đồng. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện thêm kiểm tra bổ sung để nhận định chính xác lý do làm thiếu hụt kẽm.

Ngoài ra, vẫn còn cách thông dụng khác để chẩn đoán vấn đề thiếu kẽm đó là theo dõi xem triệu chứng có cải thiện tích cực sau khi bổ sung kẽm hay không. Ví dụ như triệu chứng về da do bị thiếu kẽm thông thường sẽ cải thiện sau khoảng 72 tiếng kể từ lúc dung nạp thêm loại khoáng chất này.

Trong quá trình chẩn đoán thiếu kẽm, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng thiếu hụt dưỡng chất khác, gồm có thiếu axit béo thiết yếu, vitamin B2 (riboflavin) và biotin. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ xem xét, phân biệt với những vấn đề khác như thiếu vitamin D, B12, folate, sắt, bệnh suy giáp, trầm cảm,… Chúng ta đã biết chứng thiếu kẽm được chẩn đoán như thế nào. Vậy thiếu kẽm bị gì, có dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng không?

Chẩn đoán thiếu kẽm

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho người bệnh làm một số xét nghiệm để chẩn đoán tình trạng thiếu kẽm

Thiếu kẽm gây bệnh gì?

Nếu thiếu kẽm, thể trạng và sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, dễ mắc phải các bệnh lý, vấn đề đáng ngại. Dưới đây là những hệ lụy mà người bệnh có thể sẽ đối mặt nếu tình trạng thiếu kẽm không được phát hiện sớm, xử trí nhanh chóng, đúng cách:

  • Đối với thai nhi và trẻ nhỏ: Thiếu kẽm làm cơ thể chậm, ngừng tăng trưởng, khó xảy ra sự phân chia tế bào nên tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của bé. Trẻ em thiếu kẽm thường chậm lớn, còi cọc, biếng ăn. Thiếu kẽm còn có thể khiến trẻ bị thiểu năng sinh dục, chậm phát triển về mặt giới tính, giảm vị giác (hypogeusia).
  • Đối với nam giới: Hầu hết những trường hợp có kích thích tố sinh dục nam thấp và lượng tinh trùng giảm là do bị thiếu kẽm. Vấn đề thiếu hụt dưỡng chất này còn làm giảm tần suất tình dục, khiến nam giới sụt cân, nghiêm trọng hơn là dẫn đến bị vô sinh. Ngoài ra, phái mạnh có thể mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt nếu bị thiếu kẽm.
  • Đối với người lớn tuổi: Thiếu hụt kẽm sẽ tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch của người cao tuổi. Từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh như cúm, viêm phổi, ung thư,…
  • Những hệ lụy khác: Thiếu kẽm có thể người bệnh bị thiếu máu, quáng gà, viêm da, suy giảm khả năng miễn dịch, vết thương chậm lành, tiêu chảy, mật độ khoáng chất trong xương thấp,… Tình trạng thiếu hụt dưỡng chất này còn khiến bệnh nhiễm trùng cấp và mạn tính dễ tái phát và nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, thiếu kẽm còn là yếu tố nguy cơ của bệnh béo phì, đái tháo đường,…
Thiếu kẽm gây bệnh gì?

Thiếu kẽm sẽ khiến người cao tuổi dễ bị cúm, viêm phổi,…

Điều trị thiếu kẽm

Bổ sung kẽm thông qua dạng viên nang hoặc viên nén sẽ cung cấp thêm loại khoáng chất này cho cơ thể. Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc thiếu kẽm nên uống thuốc gì? Tùy vào triệu chứng mà người bệnh đang gặp phải, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc kẽm phù hợp và chỉ định liều lượng dùng sao cho an toàn, hiệu quả. Kẽm có thể được lấy từ thuốc cảm lạnh, một số sản phẩm bổ sung đa vitamin mà trong thành phần đang chứa loại khoáng chất này.

Lưu ý rằng, người bệnh phải dùng kẽm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng quá nhiều kẽm sẽ dẫn đến các phản ứng bất lợi như nôn mửa, tiêu chảy, cản trở cơ thể hấp thu các loại khoáng chất khác như sắt, đồng. Theo khuyến nghị, mỗi ngày bạn không nên bổ sung quá 40 mg kẽm, trừ khi được bác sĩ chỉ định.

Thiếu kẽm có thể ngăn ngừa được không?

Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động ngăn ngừa tình trạng thiếu kẽm. Đối với hầu hết mọi người, cách tối ưu là ăn thực phẩm sở hữu nhiều kẽm. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn tránh bị thiếu kẽm thông qua chế độ dinh dưỡng:

  • Bạn có thể đưa những thực phẩm giàu kẽm như cá, thịt, hàu vào khẩu phần ăn. Bên cạnh đó, các loại hạt, thực phẩm từ sữa,… cũng sở hữu một lượng nhỏ kẽm hữu ích.
  • Chọn dùng ngũ cốc có men cũng giúp làm tăng hàm lượng kẽm cho cơ thể, giảm chất phytate trong loại thực phẩm này.
  • Trước khi chế biến đậu bạn hãy ngâm nguyên liệu trong nước. Việc làm này góp phần làm giảm sự hiện diện của phytate, hỗ trợ cơ thể xử lý kẽm một cách thuận lợi, dễ dàng hơn.
Thiếu kẽm có thể ngăn ngừa được không?

Bạn có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu kẽm thông qua chế độ dinh dưỡng

Người bị thiếu kẽm ăn gì?

Nhóm thực phẩm chứa hàm lượng kẽm dồi dào mà bạn có thể bổ sung vào khẩu phần là cua, tôm, cá, trứng, sữa, thịt lợn nạc, gà, cừu, hàu, sò,… Hiện vẫn chưa có nghiên cứu, bằng chứng chính xác chỉ ra những ảnh hưởng bất lợi từ việc dung nạp quá nhiều kẽm thông qua thức ăn, thực phẩm tự nhiên. Do đó, bổ sung kẽm từ chế độ ăn uống chính là cách hiệu quả, an toàn, được nhiều người áp dụng.

Thực phẩm có nguồn gốc từ động vật thường sở hữu nhiều kẽm. Mặt khác, nhóm thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ chứa lượng kẽm ít, giá trị sinh học cũng thấp vì cơ thể khó hấp thu được. Ngoài ra, để cung cấp kẽm cho cơ thể đúng cách, bạn nên có khẩu phần đa dạng, đầy đủ dưỡng chất đồng thời thay đổi, áp dụng các thói quen ăn uống hữu ích cho quá trình hấp thu kẽm,… cụ thể như sau:

  • Trong bữa ăn hàng ngày, bạn cần kết hợp dùng nhiều loại thực phẩm từ 4 nhóm chất béo, đạm, tinh bột, khoáng chất và vitamin.
  • Bạn cần áp dụng chế độ ăn giàu kẽm/sắt, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng. Khuyến khích dùng thực phẩm giàu kẽm có nguồn gốc động vật.
  • Tăng cường dung nạp thực phẩm chứa nhiều vitamin C như trái cây, rau tươi để thúc đẩy cơ thể hấp thụ kẽm/sắt.
  • Tiến hành thay đổi một vài thói quen ăn uống có thể gia tăng sự hấp thu kẽm, ví dụ như uống nước chè sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ.
  • Cách tối ưu để phòng ngừa tình trạng thiếu kẽm cho trẻ là bổ sung dưỡng chất hợp lý, nuôi con bằng sữa mẹ. Do đó, trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh, mẹ nên cho con bú sớm. Ở 6 tháng đầu đời, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn. Mẹ được khuyến khích tiếp tục cho con bú đến khi được 24 tháng tuổi.
  • Nếu bạn đang gặp tình trạng kém hấp thu kẽm từ chế độ ăn uống, hãy trao đổi, thảo luận với bác sĩ. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng thực phẩm bổ sung kẽm.
Thiếu kẽm có thể ngăn ngừa được không?

Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời để hạn chế nguy cơ bị thiếu kẽm

Quả thật, kẽm là khoáng chất rất hữu ích và cần thiết cho cơ thể. Trong trường hợp thiếu kẽm, sức khỏe và thể trạng sẽ gặp nhiều hệ lụy. Bạn hãy chủ động đưa thực phẩm chứa kẽm vào khẩu phần ăn uống của mình. Bên cạnh đó, bạn nên đến gặp bác sĩ dinh dưỡng thăm khám để nhận chỉ định điều trị tình trạng thiếu kẽm hiệu quả, an toàn, khoa học. Nếu có thắc mắc cần tư vấn thêm, bạn vui lòng liên hệ với Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome qua hotline 1900 633 599.

3/5 - (3 bình chọn)
10:25 15/05/2023

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading