Nguy hiểm khi mẹ bầu ốm nghén nặng

17/07/2020 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Bác sĩ Dinh dưỡng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Theo thống kê, có khoảng 70% mẹ bầu bị ốm nghén, trong đó ốm nghén nặng chiếm 1,5%. Những dấu hiệu của ốm nghén nặng bao gồm: nôn ói dữ dội (trên 3 lần/ngày), vừa ăn/uống vào đã nôn hết, cơ thể bị mất nước mệt mỏi, sụt cân nghiêm trọng… Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Mẹ bầu ốm nghén nặng nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Mẹ bầu ốm nghén, ảnh hưởng đến thai nhi

Mẹ bầu ốm nghén nặng nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

Chứng ốm nghén nặng hay còn gọi là suy nghén – Hyperemesis gravidarum (HG), thường “tấn công” thai phụ vào tuần thứ 4 – 6 của thai kỳ và trở nên nghiêm trọng nhất ở tuần thai thứ 9 – 13. Từ tuần thai 20 trở đi, các triệu chứng nghén có xu hướng giảm bớt nhưng sẽ kéo dài đến tận tam cá nguyệt thứ ba. 

Với những mẹ bầu ốm nghén nặng, nhịp sinh hoạt có thể ít nhiều thay đổi. Nhiều mẹ bầu luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải, chỉ muốn ngủ, thậm chí trong đầu còn xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Cần hiểu rằng, ốm nghén là một triệu chứng bình thường của thai kỳ, không phải bệnh lý. Vì vậy, những mẹ bầu bị ốm nghén nặng không nên quá lo lắng cho đây là dấu hiệu thai suy yếu. Tuy nhiên, tình trạng này nếu không can thiệp kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

> Xem thêm: Dinh dưỡng và thực đơn cho bà bầu bị ốm nghén

Mẹ bầu ốm nghén nặng kéo dài, con bị ảnh hưởng thế nào?

Mặc dù ốm nghén là hiện tượng thai kỳ bình thường, nhưng mẹ bầu nghén nặng đến mức không thể ăn uống sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến thai nhi và sức khỏe bản thân. Cụ thể như sau:

Thai nhi kém phát triển, thiếu cân

Mẹ bầu nôn ói liên tục thường mất cảm giác thèm ăn dẫn tới ăn ít, hay bỏ bữa. Điều này dễ gây thiếu hụt dưỡng chất, cân nặng sụt giảm. Khi cơ thể người mẹ không nạp đủ dinh dưỡng, hậu quả là thai nhi cũng sẽ bị thiếu chất, dẫn đến tăng trưởng kém, có nguy cơ thiếu cân lúc chào đời và suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời. Tệ hơn, mẹ bầu còn phải đối mặt với việc sinh non.

Mất cân bằng điện giải

Ăn uống kém đồng nghĩa với thiếu vi chất, trong đó có các chất điện giải (natri và kali). Khi lượng natri và kali trong cơ thể sụt giảm, tình trạng mất cân bằng điện giải sẽ xảy ra. Tình trạng này khiến mẹ bầu càng nghén trầm trọng hơn và huyết áp bị giảm.  

Cơ bắp suy yếu

Thiếu dinh dưỡng, mất cân bằng điện giải và thời gian nằm quá nhiều (do nhu cầu cần nghỉ ngơi tăng cao) sẽ khiến thai phụ bị suy yếu cơ bắp. Cơ thể lúc nào cũng luôn ở trong tình trạng rệu rã, đôi lúc như không còn chút sức lực nào.

Ốm nghén, mệt mỏi

Ốm nghén nặng khiến cơ thể mẹ bầu luôn mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ngơi

Vì sao mẹ bầu bị ốm nghén nặng?

Theo các chuyên gia, mẹ bầu ốm nghén nặng là do sự gia tăng nồng độ hormone gonadotropin màng đệm ở người (hCG). Đây là loại hormone được tạo ra trong thai kỳ bởi nhau thai. Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng ốm nghén nặng ở mẹ bầu, đó là:

  • Tiền sử gia đình có người bị suy nghén (hyperemesis gravidarum)
  • Mang đa thai
  • Thừa cân, béo phì…

Phân biệt ốm nghén nặng với ốm nghén thông thường

Nhận biết ốm nghén nặng là như thế nào sẽ giúp các mẹ bầu chủ đồng nhờ can thiệp, tư vấn nếu không may gặp phải.

Ốm nghén thông thường Ốm nghén nặng
Buồn nôn, đôi khi kèm theo nôn Buồn nôn dẫn tới nôn mửa dữ dội
Cảm giác buồn nôn giảm dần sau 12 tuần mang thai Buồn nôn không giảm trong suốt thai kỳ
Nôn nhưng không gây mất nước Nôn mửa gây mất nước nghiêm trọng
Nôn nhưng dạ dày vẫn giữ được thức ăn Nôn nhiều đến mức không còn chút thức ăn nào trong dạ dày 
Sụt cân ít (dưới 5% trọng lượng cơ thể) Sụt trên 5% trọng lượng cơ thể

Ngoài ra, nếu mang thai nghén nặng, thai phụ sẽ có thêm những dấu hiệu: Mất hẳn cảm giác thèm ăn, thậm chí “sợ” thực phẩm; Mệt mỏi, nhức đầu, hay ngất xỉu; Huyết áp thấp, nhịp tim nhanh; Vàng da, da mất độ đàn hồi…

dấu hiệu thai nghén, Nhức đầu, uể oải

Nhức đầu, uể oải, nhịp tim nhanh là triệu chứng thường thấy ở phụ nữ mang thai nghén nặng

Cách đối phó với chứng ốm nghén nặng trong thai kỳ

Tùy thuộc vào mức độ suy nghén, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu nhập viện hay điều trị tại nhà. Nếu ốm nghén nặng đến mức phải nhập viện, mẹ sẽ được truyền dịch tĩnh mạch (để khôi phục hydrat hóa, chất điện giải, vitamin và chất dinh dưỡng), nuôi ăn bằng ống (để đảm bảo nạp đủ dưỡng chất nuôi thai nhi) và cho uống một số loại thuốc (như metoclopramide, thuốc kháng histamine, thuốc chống viêm tủy…).

Trường hợp nhẹ hơn, mẹ bầu nghén nặng có thể tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn như sau:

Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai khuyến cáo, thực đơn dành cho phụ nữ mang thai nghén nặng cần phải đa dạng, đủ chất, ưu tiên các loại thực phẩm giúp kiểm soát cơn buồn nôn. Đồng thời cắt giảm những món không có lợi cho sức khỏe mẹ và bé. Cụ thể mẹ bầu nên:

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate như bánh mì, ngũ cốc, cơm; thực phẩm giàu protein như thịt nạc, thịt gia cầm, các loại đậu…
  • Ăn các loại trái cây và rau củ giàu chất xơ như chuối, kiwi, dâu tây, táo, cà chua, cà rốt, cần tây…
  • Uống tối thiểu 2 lít nước/ngày, lưu ý không uống trong hoặc ngay sau bữa ăn để hạn chế hiện tượng trào ngược dạ dày và đầy hơi. Mỗi lần uống nên uống từng ngụm nhỏ.
  • Sử dụng các loại nước có chứa natri và kali để bổ sung các khoáng chất bị mất.
  • Tránh ăn những món chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn cay, chua.
  • Không uống các loại thức uống có carbonate, caffeine và đồ uống có cồn.
  • Không ăn những món ăn có mùi tanh, mùi quá nồng hoặc thực phẩm tái sống, vì sẽ khiến cơn buồn nôn nghiêm trọng hơn.

> Xem thêm: Dinh dưỡng cho bà bầu theo từng giai đoạn

Bên cạnh đó, mẹ bầu nghén nặng cần tuân thủ nguyên tắc chia nhỏ bữa ăn (cách 2 giờ ăn một lần) để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, tránh phải xử lý quá nhiều thức ăn cùng một lúc.

cách giảm ốm nghén, chia nhỏ bữa ăn

Chia nhỏ bữa ăn để giảm tải áp lực cho hệ tiêu hóa

Uống chanh, sả, gừng

Một số loại thảo mộc như chanh, sả, gừng, bạc hà… đã được chứng minh giúp giảm ốm nghén hiệu quả. Mỗi sáng khi thức dậy, mẹ bầu nên uống một ly nước gừng kèm thêm vài lát chanh và mật ong để tạo cảm giác dễ chịu. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể xông tinh dầu sả và bạc hà, giúp tinh thần thư thái, hạn chế buồn nôn.

Vận động nhẹ nhàng

Mẹ bầu, đặc biệt là những mẹ bầu nghén nặng, thường được khuyên nên nghỉ ngơi nhiều. Tuy nhiên, việc nằm quá lâu trên giường sẽ làm suy yếu cơ và sụt cân nhanh hơn. Mẹ bầu nên cố gắng vận động như đi lại nhẹ nhàng. Khi khỏe hơn, mẹ nên tập vài động tác thể dục, yoga, ra ngoài đi dạo… Việc rời khỏi giường và vận động nhẹ nhàng sẽ khiến mẹ cảm thấy khỏe và tinh thần phấn chấn hơn. 

Massage

Thai phụ khi được xoa bóp nhẹ nhàng bằng tinh dầu sẽ cảm thấy dễ chịu, thư giãn và bớt căng thẳng. Chưa kể, massage đúng cách còn kích thích vị giác, giúp mẹ bầu tìm lại cảm giác thèm ăn.

Massage cho mẹ bầu, giảm ốm nghén

Massage giúp mẹ bầu ốm nghén nặng cảm thấy dễ chịu, ăn và ngủ ngon hơn

Mặc dù ốm nghén nặng không phải là bệnh lý hay dấu hiệu cho thấy thai nhi đang gặp nguy hiểm, mẹ bầu vẫn không nên coi thường. Có nhiều cách giúp mẹ bầu kiểm soát ốm nghén nặng, một trong những cách hiệu quả nhất là xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Do đó, nếu mẹ thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào của suy nghén hãy đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng NutriHome có dịch vụ khám, tư vấn và hỗ trợ điều trị chứng ốm nghén nặng. Đến đây, mẹ bầu sẽ được các chuyên gia dinh dưỡng thăm khám trực tiếp, đưa ra phác đồ điều trị riêng. Việc thiết lập chế độ dinh dưỡng – sinh hoạt – vận động hợp lý sẽ giúp mẹ bầu ốm nghén nặng có được một thai kỳ khỏe mạnh, hạnh phúc.

2/5 - (1 bình chọn)
14:17 16/04/2024

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading