Cách chăm sóc và chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng

07/03/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Mỗi năm Việt Nam có đến hơn 230.000 trẻ suy dinh dưỡng nặng. Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng này khiến trẻ kiệt quệ về thể chất, sa sút về trí tuệ, suy yếu hệ miễn dịch, trẻ thường xuyên nhiễm bệnh và là gánh nặng cho cả cộng đồng. Vậy, khi trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, bố mẹ phải làm sao? Đâu là cách chăm sóc và chế độ ăn phù hợp để trẻ mau chóng hồi phục? Hãy cùng Nutrihome tìm câu trả lời ngay trong bài viết sau.

Suy dinh dưỡng nặng là tình trạng mà cơ thể của trẻ bị thiếu hụt toàn bộ các dưỡng chất cơ bản như đạm (protein), đường (glucid), béo (fat), năng lượng (calo) cùng các vitamin và khoáng chất,…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tinh thần và trí lực một cách toàn diện.

trẻ suy dinh dưỡng nặng

Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng nên ăn gì? Chế độ dinh dưỡng ra sao?

07 nguyên nhân khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng

Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng, bao gồm:

1. Bố mẹ chăm con sai cách

Trẻ suy dinh dưỡng nặng thường là do bố mẹ thiếu kiến thức nuôi dạy trẻ chuẩn khoa học, chẳng hạn như:

  • Mẹ không cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn;
  • Bố mẹ cho ăn dặm sai cách, không biết lựa chọn thực phẩm dẫn đến bữa ăn nghèo nàn về dưỡng chất;
  • Cho trẻ ăn quá ít, kiêng khem quá nhiều;
  • Nuông chiều theo sở thích ăn của trẻ, cứ ăn đi ăn lại một vài món mà bỏ qua các thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng khác;
  • Mẹ thường nghe theo lời dạy truyền miệng từ bà, thực hành theo một số mẹo dân gian để nuôi dạy bé dù chưa được khoa học công nhận.

2. Cho ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn

Trẻ nên được bắt đầu ăn dặm khi đạt đủ 6 tháng tuổi. Đây là khoảng thời gian trẻ sắp bước vào giai đoạn “7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” với nhiều chuyển biến mạnh mẽ về thể chất.

Vì thế, cho ăn dặm quá sớm khiến trẻ không thể hấp thụ đủ vi chất do hệ tiêu hóa còn quá non nớt. Cho ăn dặm quá trễ sẽ không bắt kịp nhu cầu dinh dưỡng đang tăng cao, dễ khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng.

3. Cai sữa quá sớm

Từ 6 tháng tuổi đến hết 24 tháng tuổi, trẻ nên được kết hợp đồng thời giữa bú sữa mẹ và ăn dặm các loại cháo, bột rau củ nghiền mịn hoặc cơm nát. Nhiều mẹ không may mắc phải các bệnh lý như tắc tia sữa, áp xe vú mà cho bé cai sữa sớm…cũng khiến trẻ dễ bị “thiệt thòi” về mặt dinh dưỡng, hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh vặt nên càng làm tình trạng thiếu vi chất trầm trọng hơn.

nguyên nhân bé suy dinh dưỡng nặng

Cho bé cai sữa từ khi còn quá nhỏ là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị suy dinh dưỡng nặng

4. Trẻ mắc bệnh và ốm đau kéo dài

Khi trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng do vi khuẩn và vi-rút như cảm cúm, nhiễm trùng đường tiêu hóa,…trẻ thường bị sốt cao nên rất dễ biếng ăn, bỏ cữ. Hơn nữa, nếu điều trị cho trẻ bằng các loại thuốc kháng sinh sẽ khiến trẻ bị nhạt miệng, không còn hứng thú với việc ăn uống nên bỏ bú, bỏ ăn khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng.

Cá biệt, một số bệnh như viêm nhiễm đường hô hấp, lao phổi, sởi, kiết lỵ…thường kéo dài nhiều tháng và để lại vô vàn biến chứng. Tình trạng bệnh lý càng kéo dài thì càng khiến trẻ mệt mỏi, bé chỉ muốn ngủ thiếp đi thay vì phải ăn uống mệt nhọc. Lâu dần, bé sẽ hình thành phản xạ chán chường trước thực phẩm, khiến bé suy dinh dưỡng nặng.

5. Trẻ biếng ăn

Ngoài biếng ăn bệnh lý ra thì trẻ còn bị biếng ăn do tâm lý và do sinh lý. Việc cha mẹ thường xuyên quát nạt, dọa dẫm là nguyên nhân chính gây nên tình trạng biếng ăn tâm lý. Trong khi đó, đến độ tuổi mọc răng, trẻ thường bị “ngứa” nướu gây bất tiện trong việc nhai nuốt là nguyên nhân chính dẫn đến chứng biếng ăn sinh lý.

Biếng ăn, bỏ bú dù là vì nguyên do nào đi nữa, đều khiến trẻ bị thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết để phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi trẻ mới bắt đầu thiếu vi chất, bố mẹ thường rất khó phát hiện ra. Đến khi trẻ suy dinh dưỡng nặng, bố mẹ kịp nhận ra thì đã quá muộn.

6. Do dị tật bẩm sinh

Một số dị tật bẩm sinh như mẹ sinh non, sinh thiếu tháng, thai nhi bị suy dinh dưỡng bào thai, tật hở hàm ếch, sứt môi, bệnh tim bẩm sinh,…đều khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng vì gặp khó khăn toàn diện trong việc ăn uống, tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.

7. Nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khách quan khiến trẻ suy dinh dưỡng nặng có thể kể đến như:

  • Chính sách phổ cập kiến thức dinh dưỡng đến người dân còn hạn chế;
  • Trẻ ở vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận đến nguồn thực phẩm đa dạng và các dịch vụ y tế hiện đại;
  • Kinh tế gia đình khó khăn, không đủ kinh phí đảm bảo dinh dưỡng toàn diện cho trẻ;
  • Gia đình sống gần nguồn ô nhiễm, mầm bệnh.
nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng nặng

Trẻ em dân tộc thiểu số vùng miền núi rất dễ đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng nặng do nguồn lương thực hạn chế

Biểu hiện, dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng

Trẻ suy dinh dưỡng được Viện Dinh dưỡng Quốc gia phân loại thành 2 cấp độ là SDD vừa và SDD nặng. Trong đó, tình trạng SDD nặng được định nghĩa là khi các chỉ số cân nặng hoặc / và chiều cao theo độ tuổi của trẻ nằm nhỏ hơn hoặc bằng mức -3SD trong Bảng Tiêu Chuẩn Theo Dõi Tăng Trưởng Trẻ Em của Tổ chức Y tế Thế giới WHO.

Do đó, ngay khi mẹ thấy trẻ có các dấu hiệu như chậm lớn, chững cân, trẻ còi cọc hoặc/và thấp lùn so với bạn bè đồng trang lứa, mẹ hãy tham khảo ngay bảng quy ước của WHO dưới đây để đối chiếu với chiều cao – cân nặng của trẻ. Qua đó, mẹ sẽ có thể nhận biết được trẻ suy dinh dưỡng nặng hay không:

1. Với trẻ dưới 5 tuổi

Tiêu chí Bé gái Bé trai
Cân nặng theo độ tuổi Xem tại đây Xem tại đây
Chiều cao theo độ tuổi Từ 0 – 2 tuổi
Từ 2 – 5 tuổi
Từ 0 – 2 tuổi
Từ 2 – 5 tuổi
Cân nặng theo chiều cao Từ 0 – 2 tuổi
Từ 2 – 5 tuổi
Từ 0 – 2 tuổi
Từ 2 – 5 tuổi
Chỉ số khối cơ thể (BMI) Từ 0 – 2 tuổi
Từ 2 – 5 tuổi
Từ 0 – 2 tuổi
Từ 2 – 5 tuổi

2. Với trẻ từ 5 – 10 tuổi

Tiêu chí Bé gái Bé trai
Cân nặng theo độ tuổi Xem tại đây Xem tại đây
Chiều cao theo độ tuổi Xem tại đây Xem tại đây
Chỉ số khối cơ thể (BMI) Xem tại đây Xem tại đây

3. Với trẻ từ 10 – 19 tuổi

Tiêu chí Bé gái Bé trai
Chiều cao theo độ tuổi Xem tại đây Xem tại đây
Chỉ số khối cơ thể (BMI) Xem tại đây Xem tại đây

Bên cạnh việc tự đối chiếu chiều cao và cân nặng của con với quy chuẩn của WHO, bố mẹ có thể nhận biết trẻ suy dinh dưỡng nặng bằng các dấu hiệu sau:

  • Chu vi vòng cánh tay nhỏ: Mẹ có thể dùng thước dây để đo chu vi vòng cánh tay của bé. Với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mà chu vi vòng cánh tay nhỏ hơn 11.5 cm thì chắc chắn trẻ suy dinh dưỡng nặng.
  • Da và tóc: Trẻ suy dinh dưỡng nặng có da khô, nhợt nhạt, tóc giòn, dễ gãy rụng và trên đầu có thể xuất hiện từng mảng hói do tóc rụng.
  • Mất cơ và mỡ: Trẻ suy dinh dưỡng nặng bị mất nhiều khối lượng cơ bắp và lớp mỡ dưới da, khiến tay chân teo đét lại.
  • Quan sát vùng bụng: Nếu vùng bụng của trẻ trương phình to hơn so với tỉ lệ cơ thể nghĩa là trẻ đang mắc chứng suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor). Ngược lại, nếu vùng bẹ sườn và bụng của bé lõm vào, trông như “da bọc xương” thì chắc chắn trẻ suy dinh dưỡng nặng thể teo đét (Marasmus).
  • Ánh mắt và hành vi: Trẻ suy dinh dưỡng nặng do thiếu năng lượng nên ánh mắt thường lờ đờ, ngờ nghệch, mắt lồi ra do vùng mỡ mắt bị tiêu biến, trẻ phản xạ chậm, lãnh đạm, sợ sệt với các kích thích từ môi trường.
dấu hiệu bé bị suy sinh dưỡng nặng

Chu vi vòng cánh tay nhỏ hơn 11.5 cm là biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng nặng

Các biến chứng nguy hiểm của suy dinh dưỡng nặng

Tình trạng bé suy dinh dưỡng nặng gây nguy hiểm cho bé cả trong ngắn hạn và dài hạn, thậm chị đe dọa đến tính mạng:

1. Trong ngắn hạn

Suy dinh dưỡng nặng khiến trẻ:

  • Suy giảm đa chức năng: Vì thiếu dinh dưỡng và năng lượng nên gần như mọi cơ quan trong cơ thể của trẻ đều hoạt động “ì ạch” kém hiệu quả, gan phình to do thoái hóa mỡ, suy tim do thiếu đạm. Ngoài việc chậm lớn và “mất oan” chiều cao, não bộ của trẻ cũng không thể phát triển toàn diện.
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Do sức đề kháng kém mà trẻ thường xuyên bị tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm trùng hệ tiêu hóa và các bệnh vặt do nhiễm khuẩn khác.
  • Dễ gặp chấn thương: Thiếu vitamin D, canxi và magiê quá lâu khiến xương giòn hơn. Chỉ cần một cú té ngã nhẹ cũng có thể khiến trẻ gãy xương hoặc gặp các chấn thương nhẹ nhưng rất lâu hồi phục, để lại nhiều di chứng đến lúc trưởng thành.
  • Thiếu máu: Thiếu máu do thiếu sắt là căn bệnh thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng nặng. Bệnh thiếu máu thường khiến trẻ bị suy tim, hạ huyết áp, da dẻ tái nhợt, rối loạn chức năng tủy, đau đầu, chóng mặt, dậy thì muộn,…
  • Đánh mất tuổi thơ: Tình trạng suy dinh dưỡng nặng khiến trẻ không thể hồn nhiên vui chơi như bao trẻ khác do hệ thần kinh vận động và cơ bắp suy yếu. Tuổi thơ của trẻ suy dinh dưỡng nặng thường là những chuỗi ngày dài bệnh tật triền miên, có thể phải uống kháng sinh liều cao liên tục.

2. Trong dài hạn

Trẻ suy dinh dưỡng nặng về lâu dài sẽ:

  • Bệnh tật ở tuổi trưởng thành: Trẻ nhỏ có tiền sử suy dinh dưỡng nặng từ bé khi lớn lên thường mắc các bệnh mạn tính không thể điều trị, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, rối loạn trao đổi chất,…do hệ thống nội tiết tố của trẻ vốn đã bất ổn từ lúc bị suy dinh dưỡng.
  • Đánh mất tương lai: Vì não bộ kém phát triển nên trẻ học tập sa sút, làm việc năng suất thấp, không đủ năng lực để cống hiến so với các trẻ em phát triển khỏe mạnh. Trẻ em là tương lai của một đất nước, vì thế tình trạng trẻ suy dinh dưỡng nặng thực sự là một gánh nặng của quốc gia.
ảnh hưởng trong dài hạn khi trẻ bị suy dinh dưỡng nặng

Trẻ suy dinh dưỡng nặng khi trưởng thành rất dễ mắc các bệnh lý mãn tính khó điều trị

Điều trị suy dinh dưỡng nặng

Theo quyết định số 4487/QĐ-BYT do Bộ Y Tế ban hành ngày 18/8/2016 về việc điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng nặng dưới 6 tuổi, bé cần được nhập viện để điều trị nội trú hoặc ngay khi có các biểu hiện sau:

  • Trẻ không thể bú mẹ hay ăn uống;
  • Trẻ không còn cảm giác thèm ăn;
  • Trẻ nôn trớ tất cả mọi thứ ra;
  • Trẻ thở rít, lãnh đạm, co giật, thậm chí bất tỉnh;
  • Trẻ mất nước nặng;
  • Trẻ bị viêm phổi nên lồng ngực bị rút lõm vào trong;
  • Trẻ có các triệu chứng của bệnh thiếu máu;
  • Trẻ bị phù nề ở bụng hoặc tay, chân.

Theo quyết định của Bộ Y tế, quy trình điều trị suy dinh dưỡng nặng gồm 7 bước:

  • Bước 1: Điều trị & dự phòng hạ đường huyết.
  • Bước 2: Điều trị & dự phòng mất thân nhiệt.
  • Bước 3: Điều trị & dự phòng mất nước bằng cách bù nước.
  • Bước 4: Điều chỉnh cân bằng điện giải bằng cách tiêm dung dịch điện giải.
  • Bước 5: Điều trị & ngăn ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn.
  • Bước 6: Bổ sung các vi chất dinh dưỡng bị thiếu hụt.
  • Bước 7: Bắt đầu sử dụng thuốc dinh dưỡng để điều trị.

Khi điều trị nội trú tại bệnh viện, bác sĩ sẽ là người chịu trách nhiệm điều trị còn điều dưỡng viên sẽ là người theo dõi và sử dụng các sản phẩm điều trị cho trẻ.

điều trị trẻ bị suy sinh dưỡng nặng

Trẻ bắt buộc phải nhập viện nội trú để được bác sĩ điều trị suy dinh dưỡng nặng

Chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng nặng

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng (suy dinh dưỡng độ 3) nên được:

  • Chia thành nhiều cữ với hàm lượng calo tăng dần;
  • Dùng sữa công thức dòng cao năng lượng (chứa rất nhiều tinh bột, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và calo) theo chỉ định của bác sĩ;
  • Một bữa ăn của trẻ suy dinh dưỡng nặng phải đảm bảo có ít nhất 10-15 thực phẩm thuộc ít nhất 5 trong 8 nhóm chất sau, riêng nhóm chất béo là bắt buộc:
    • Nhóm 1: Lương thực (gạo, ngô, sắn, khoai) cung cấp tinh bột.
    • Nhóm 2: Các loại hạt và các loại đậu (hạt vừng, đậu nành, lạc,…).
    • Nhóm 3: Sữa và các chế phẩm từ sữa (yaourt, phô mai,…)
    • Nhóm 4: Thịt, cá, hải sản,…cung cấp chất đạm.
    • Nhóm 5: Các loại trứng…cung cấp nhiều chất đạm, vitamin và axit béo.
    • Nhóm 6: Nhóm rau củ quả có màu xanh thẫm hoặc đỏ, da cam, vàng như cà chua, bí đỏ, cà rốt, cải bó xôi, cải thìa, bông cải xanh,…cung cấp nhiều vitamin A, B1, B2, B3, B6, B9, B12, C, E, K,…
    • Nhóm 7: Nhóm rau củ quả có màu khác như củ cải, củ su hào,…cung cấp nhiều khoáng chất và chất xơ.
    • Nhóm 8: Nhóm chất béo. Với trẻ suy dinh dưỡng nặng, nên kết hợp ăn cả dầu và mỡ động vật.

Ngoài thực phẩm tự nhiên, trẻ suy dinh dưỡng nặng cần được dùng thêm nhiều thực phẩm chức năng để kịp thời bổ sung các loại vitamin và khoáng chất mà cơ thể trẻ đang thiếu hụt, nhất là vitamin A, D và sắt.

chế độ dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng nặng

Chế độ ăn cân bằng 4 yếu tố & 5 nhóm thực phẩm được Bộ Y tế khuyến cáo trong việc điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng nặng

Phòng ngừa suy dinh dưỡng nặng ở trẻ

Theo Cục Y tế dự phòng trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam, để phòng ngừa suy dinh dưỡng nặng ở trẻ, tốt nhất là trẻ nên được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ ngay từ khi còn là bào thai. Theo đó:

  • Ngay trong lúc mang thai, mẹ nên ăn uống đủ chất để tăng từ 10 – 12 kg cân nặng đồng thời kết hợp uống viên bổ sung sắt và acid folic hàng ngày.
  • Khi vừa sinh ra, cho trẻ bú sớm ngay trong vòng 30 phút đầu sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho bú mẹ kết hợp với ăn dặm đến khi trẻ được 2 tuổi.
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nhu cầu chất béo rất cao. Tốt nhất, mẹ nên xen kẽ cho trẻ ăn một bữa dầu một bữa mỡ khi chế biến thực phẩm.
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến khi 3 tuổi nên được uống bổ sung vitamin A liều cao và thuốc tẩy giun 2 lần một năm;
  • Ngoài cơm, mỗi bữa ăn của trẻ nên có ít nhất 3 món khác là món canh, món xào và món mặn. Trong đó, mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn nhiều rau quả, đậu phụ, vừng, lạc, thịt, gia cầm, trứng và hải sản.
  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ đồng thời vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, nhất là thực hiện ăn chín uống sôi, chỉ sử dụng các nguồn nước sạch để ăn uống và sinh hoạt.
  • Thường xuyên cho trẻ khám sức khỏe định kỳ, nhất là thực hiện Xét nghiệm vi chất mỗi 6 tháng một lần để phát hiện sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng ở trẻ.

Trên đây là tất cả những thông tin quan trọng về tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng nặng mà bố mẹ cần lưu tâm. Việc điều trị tình trạng suy dinh dưỡng nặng ở trẻ rất phức tạp, tốn kém và chỉ được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn cao. Do đó, tốt nhất là bố mẹ nên phòng bệnh cho trẻ từ sớm trước khi quá muộn.

Trên hành trình ngăn ngừa tình trạng trẻ suy dinh dưỡng nặng, bố mẹ bắt buộc phải xây dựng được cho trẻ một chế độ ăn đảm bảo cả về lượng và về chất. Nếu vẫn còn băn khoăn chưa biết phải thiết kế thực đơn ăn uống cho bé ra sao, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn sớm. Chúc bé ăn mau chóng lớn và phát triển toàn diện!

3.7/5 - (3 bình chọn)
17:31 07/03/2023

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading