Chế độ ăn cho người men gan cao giúp hạ men gan hiệu quả

13/06/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Hiểu rõ về các nguyên tắc dinh dưỡng trong chế độ ăn cho người men gan cao là một trong những điều kiện tiên quyết giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh. Trong bài viết sau, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome sẽ cung cấp cho bạn một hướng dẫn chi tiết về cách xây dựng chế độ ăn cho người bị men gan cao, đồng thời đưa ra danh sách gợi ý các loại thực phẩm giúp kiểm soát nồng độ men gan và nâng cao sức khỏe toàn diện trong thời gian điều trị bệnh.

chế độ ăn cho người men gan cao

Chế độ ăn cho người men gan cao nên chứa các loại thực phẩm nào?

Nguyên nhân bị men gan cao là gì?

Men gan cao là tình trạng mà mức độ men gan (enzymes gan) trong máu của một người tăng cao hơn mức bình thường. Nồng độ men gan tăng cao là dấu hiệu cho thấy lá gan của bạn đang bị tổn thương do rối loạn cân bằng lipid tại gan (gan nhiễm mỡ), viêm gan, xơ gan, ung thư gan hoặc mắc các bệnh lý khác về gan. Vì thế, bất kỳ tác nhân nào gây tổn thương gan đều có thể là một nguyên nhân khiến men gan tăng cao, trong đó bao gồm:

  • Mắc bệnh lý gây tổn thương gan: Phổ biến nhất là bệnh gan nhiễm mỡ do rượu (AFLD) và gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Ngoài bệnh lý gan nhiễm mỡ, các bệnh lý khác cũng khiến men gan tăng cao, bao gồm:
    • Bệnh mạn tính: Bệnh tiểu đường, bệnh tăng huyết áp, bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh ung thư, bệnh thiếu máu do tán huyết (hemolysis);
    • Bệnh di truyền: Bệnh wilson, bệnh hemochromatosis, bệnh alpha-1 antitrypsin,…
    • Bệnh tự miễn: Bệnh celiac, bệnh viêm gan tự miễn,…
    • Bệnh lý khác: Bệnh lạc nội mạc gan, bệnh tuyến giáp, bệnh viêm đường mật, bệnh nhiễm trùng máu, viêm cơ,…
  • Dùng thuốc quá liều: Việc lạm dụng các loại thuốc như thuốc giảm đau không kê đơn (acetaminophen, tylenol,…); thuốc hạ cholesterol dùng trong việc điều trị mỡ máu, thừa cân, béo phì; thuốc chống dị ứng; thuốc giảm đau; thuốc điều trị lao, HIV/AIDS; thuốc kháng viêm chứa corticoid, steroids,…. đều có thể gây tổn thương gan ở cấp tế bào, khiến men gan tăng cao.
  • Nhiễm virus: Tình trạng viêm gan siêu vi A, B, C,… do nhiễm các loại virus đều khiến nồng độ men gan tăng cao.
  • Mất cân bằng dinh dưỡng: Dinh dưỡng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh men gan cao mà chỉ là tác nhân gián tiếp dẫn đến tình trạng này. Cụ thể, một chế độ ăn uống không khoa học, tiêu thụ quá nhiều đường, rượu bia, thức uống có cồn, năng lượng (calo) nhưng lại thiếu vitamin, khoáng chất và chất xơ sẽ khiến bạn dễ bị thừa cân, béo phì,… từ đó gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan,… và làm tăng nồng độ men gan.

Trong số các nguyên nhân khiến men gan tăng cao, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học được xem là tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Bên cạnh đó, dù bạn mắc bệnh cao men gan vì bất kỳ lý do gì thì việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cũng được xem là một phương pháp điều trị bắt buộc, đóng vai trò then chốt trong việc quyết định hiệu quả điều trị và ngăn ngừa các biến chứng bất lợi do bệnh men gan cao gây nên.

Nguyên nhân bị men gan cao là gì?

Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương gan, khiến men gan tăng cao

Chế độ ăn có ảnh hưởng tới chỉ số men gan không?

Chế độ ăn ảnh hưởng tới chỉ số men gan. Cụ thể, một thử nghiệm lâm sàng được tiến hành vào năm 2019 cho thấy, việc áp dụng một chế độ ăn ít đường trong 8 tuần đã làm giảm nồng độ men gan từ 17 – 25% ở những nam thanh niên mắc bệnh gan nhiễm mỡ khi được so với những người ăn theo chế độ ăn tiêu chuẩn. Nhìn chung, việc giảm tỷ lệ chất đường bột (carbohydrate) và chất béo bão hòa có trong chế độ ăn cho người men gan cao cho thấy hiệu quả tích cực trong việc cải thiện tình trạng bệnh.

Chế độ ăn cho người men gan cao

Chế độ ăn cho người men gan cao cần tuân thủ theo 4 nguyên tắc dinh dưỡng sau:

  • Cân bằng dinh dưỡng: Tỷ lệ năng lượng của chất đường bột, chất đạm và chất béo trong khẩu phần ăn lần lượt nên là 50:20:30. Trong đó, chất béo bão hòa (mỡ động vật, dầu công nghiệp, cholesterol và transfat) không được vượt quá 10% tổng calo ăn trong ngày.
  • Giảm tiêu thụ đường: Cắt giảm lượng đường (fructose, glucose) tiêu thụ hàng ngày xuống dưới mức 3% tổng lượng calo nạp vào cơ thể được chứng minh là có thể giúp bạn hạ nồng độ men gan ALT xuống 25%. Do đó, khi xây dựng chế độ ăn cho người men gan cao, bạn cần chú ý không nên tiêu thụ quá 25g đường / ngày để tránh làm men gan tăng cao hơn.
  • Giảm tiêu thụ chất béo xấu: Chất béo xấu (cholesterol, trans fat và mỡ gia súc, gia cầm) ức chế khả năng chuyển hóa lipid tại gan, từ đó khiến bạn nhanh chóng thừa cân, béo phì, mắc bệnh gan nhiễm mỡ và đẩy mức men gan tăng cao. Do đó, bạn không nên tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm hay thức ăn chiên (rán) có chứa mỡ động vật và chất béo công nghiệp.
  • Tránh xa rượu bia: Rượu sau khi được tiêu hóa sẽ chuyển thành acetaldehyde gây ngộ độc và hoại tử tế bào gan. Nghiên cứu cho thấy, 30 ngày kiêng rượu đã làm giảm đáng kể nồng độ men gan GGT, từ đó giúp gan tăng cường sản xuất ra nhiều hợp chất chống oxy hóa glutathione, hỗ trợ xây dựng, phục hồi và bảo vệ mô gan sau tổn thương.
Chế độ ăn cho người men gan cao

Chế độ ăn cho người men gan cao cần hạn chế thực phẩm chiên (rán) ngập dầu

Tóm lại, khi tuân theo 4 nguyên tắc dinh dưỡng bên trên, thực đơn cho người bị men gan cao cần:

  • Ưu tiên ăn thực phẩm ít đường: Thay thế cơm trắng, bánh mì, phở, bún, hủ tiếu,… thành các loại ngũ cốc nguyên hạt và chế phẩm từ ngũ cốc, chẳng hạn như: gạo lứt, yến mạch, lúa mì, lúa mạch, bánh mì nguyên cám, các loại đậu, hạt và rau xanh.
  • Ăn hoa quả có giới hạn: Người bệnh men gan cao không nên ăn quá 240g hoa quả / ngày và cũng không nên ăn ít hơn 80g hoa quả / ngày.
  • Hạn chế ăn quá mặn và ngọt: Để đảm bảo sức khỏe cho lá gan, chế độ ăn cho người men gan cao không nên chứa quá 5g muối / ngày. Đồng thời, bạn cũng nên tuyệt đối tránh xa nước giải khát có đường, nước ngọt có gas, các loại bánh kẹo ngọt,…
  • Đảm bảo ăn đủ đạm và chất béo PUFA: Đạm và chất béo PUFA (omega 3, 6,…) giúp gan nhanh hồi phục sau tổn thương, đồng thời ức chế quá trình tích trữ mỡ mới và nâng cao hiệu suất chuyển hóa chất béo, từ đó hạ thấp nồng độ men gan. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh men gan cao nên ăn 1g đạm / kg cơ thể / ngày, 2g axit linoleic (omega-6) / ngày và 0.5g axit linolenic (omega-3) / ngày.
Chế độ, thực đơn cho người men gan cao

Thực đơn cho người men gan cao cần ưu tiên ăn nhiều rau củ, ngũ cốc và thịt nạc

9 loại thực phẩm tốt cho người bị men gan cao

Việc bổ sung các loại thực phẩm này vào chế độ ăn uống cho người men gan cao sẽ giúp bạn nhanh chóng kiểm soát nồng độ men gan và cải thiện sức khỏe một cách toàn diện. Dưới đây là danh sách 9 loại thực phẩm tốt cho người bị men gan cao được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị.

1. Tỏi

Tỏi chứa allicin – một hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ được chứng minh là có tác dụng giảm men gan (AST, ALT) và mật độ mỡ máu (triglycerides, cholesterol). Nhờ đó, ăn tỏi rất tốt cho người bị men gan cao vì nó không những giúp làm hạ men gan mà còn hỗ trợ kháng viêm, chống oxy hóa, tăng cường hiệu quả ngăn ngừa và điều trị bệnh máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ.

2. Dầu oliu

Dầu olive giàu chất béo không bão hòa đơn oleic acid – một loại axit béo được chứng minh có thể làm giảm mật độ mỡ máu (triglycerides, cholesterol), từ đó hỗ trợ hạ thấp nồng độ men gan. Không những thế, dầu olive còn chứa các chất chống oxy hóa như vitamin E và polyphenols, giúp bảo vệ gan khỏi sự tấn công của gốc tự do, giảm căng thẳng oxy hóa, hỗ trợ chức năng gan.

3. Thực phẩm giàu Omega-3

Nghiên cứu cho thấy, omega-3 hỗ trợ cải thiện chức năng gan bằng cách ngăn chặn sự tích tụ mỡ. Không những thế, việc bổ sung omega – 3 vào chế độ ăn cho người men gan cao còn được chứng minh là giúp hạ thấp nồng độ men gan GGT, hỗ trợ điều trị bệnh men gan cao một cách hiệu quả. Để bổ sung omega-3 vào khẩu phần ăn, bạn nên tiêu thụ quả bơ, cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu, dầu thực vật, bơ thực vật, các loại đậu và hạt.

thực phẩm tốt cho người bị men gan cao, thực phẩm giàu omega-3

Omega-3 chứa nhiều trong các loại hạt, đậu, quả bơ và dầu thực vật

4. Quả mọng

Các loại quả mọng như quả dâu tây, việt quất, mâm xôi, nam việt quất,… có thể được xem là một loại “thần dược” tự nhiên, rất phù hợp để đưa vào chế độ ăn cho người men gan cao vì:

  • Giàu chất xơ: Quả mọng chứa nhiều chất xơ hòa tan pectin, giúp cơ thể hạn chế hấp thụ chất béo, từ đó hỗ trợ làm giảm mật độ mỡ máu (triglycerides, cholesterol), góp phần hạ thấp men gan.
  • Giàu chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như vitamin C, flavonoids và anthocyanins có trong quả mọng giúp bảo vệ gan khỏi gốc tự do, giảm stress oxy hóa và hỗ trợ khôi phục chức năng gan.

5. Hạt óc chó

Gan nhiễm mỡ là nguyên nhân hàng đầu khiến men gan tăng cao. May mắn thay, hàm lượng axit béo omega-6, omega-3 và chất chống oxy hóa polyphenol trong hạt óc chó có thể hỗ trợ điều trị bệnh gan nhiễm mỡ một cách hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ 28 gam hạt óc chó mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày / tuần giúp làm giảm 19.6% lượng chất béo trong gan sau 18 tháng. Do đó, hạt óc chó nhất định là một loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn cho người men gan cao.

6. Quả bơ

Mặc dù bơ có nhiều chất béo, nhưng phần lớn chất béo thuộc loại không bão hòa đơn, đã được chứng minh có khả năng làm giảm mức cholesterol trong cơ thể, ngăn ngừa các phản ứng viêm gây tổn thương gan do cholesterol gây ra. Không những thế, bơ còn bơ có chứa các hóa chất mạnh như vitamin E, C, polyphenols, giúp mô gan nhanh chóng phục hồi và cải thiện tình trạng men gan tăng cao mất kiểm soát.

7. Trà xanh

Theo nghiên cứu, tiêu thụ 500 mg chiết xuất trà xanh mỗi ngày trong liên tục 3 tháng giúp làm giảm đáng kể nồng độ men gan ALT và AST. Sở dĩ trà xanh có công dụng tuyệt vời trong việc điều trị bệnh men gan cao là nhờ vào hàm lượng cao chất chống oxy hóa polyphenols và catechin chứa trong chúng. Những hợp chất này giúp làm giảm căng thẳng oxy hóa ở gan, điều chỉnh huyết áp, làm giảm đường huyết, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng gan nhiễm mỡ, đái tháo đường và bảo vệ sức khỏe gan một cách toàn diện

thực phẩm tốt cho người bị men gan cao, trà xanh

Trà xanh cho thấy hiệu quả cải thiện nồng độ men gan rõ rệt chỉ sau 90 ngày tiêu thụ

8. Cà phê

Theo nghiên cứu, những người uống nhiều hơn 3 tách cà phê mỗi ngày có 4 chỉ số men gan AST, ALT, ALP và GGT thấp hơn từ 18 – 31% so với những người không uống tách cà phê nào. Vì vậy, bạn nên cân nhắc bổ sung cà phê vào chế độ ăn cho người men gan cao để nhanh chóng kiểm soát tình trạng bệnh. Tuy nhiên, khi uống cà phê điều trị men gan cao, bạn tuyệt đối không nên cho thêm đường tinh chế vào. Tốt nhất, bạn nên sử dụng các loại đường ăn kiêng (không chứa calo) để tránh gây tổn thương gan.

9. Rau lá xanh

Rau lá xanh chứa nhiều folate, hay còn gọi là vitamin B9. Theo nghiên cứu, thiếu folate khiến nồng độ 2 loại men gan ALT và GGT tăng cao, gây tổn thương gan nghiêm trọng. Do đó, chế độ ăn cho người men gan cao cần chứa nhiều thực phẩm giàu folate, chẳng hạn như: các loại rau có màu xanh lá cây đậm, các loại hạt, đậu, hoa quả, trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mát,… để nhanh chóng đưa nồng độ men gan về mức bình thường.

10. Rau họ cải

Theo nghiên cứu, các loại rau họ cải có chứa các chất chống oxy hóa và chuyển hóa thứ cấp được gọi là glucosinolates. Sau khi được tiêu hóa, glucosinolates giúp gan tăng cường sản xuất thêm enzym giải độc gan glutathione S-transferase (GST). Nhờ đó, tiêu thụ nhiều các loại rau họ cải giúp bảo vệ, phục hồi mô gan bị tổn thương và cải thiện tình trạng men gan cao một cách hiệu quả.

11. Các loại hạt

Axit ellagic – một hợp chất polyphenol được tìm thấy trong các loại hạt, có khả năng ngăn chặn các tác nhân oxy hóa tấn công gan, ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ và ức chế tình trạng men gan tăng cao mất kiểm soát. Không những thế, các loại hạt còn giàu vitamin E – một loại vitamin được chứng minh là có khả năng hạ thấp nồng độ men gan AST, ALT; từ đó giúp gan tự chữa lành và phục hồi nhanh chóng.

Các loại hạt, thực phẩm tốt cho người bị men gan cao

Các loại hạt là nguồn thực phẩm dồi dào folate, vitamin E và các chất chống oxy hóa có lợi cho gan

Thực phẩm người bị men gan cao nên kiêng

Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm tốt, người bị men gan cao cũng cần chú ý đến những loại thực phẩm nên kiêng. Việc hạn chế những thực phẩm này sẽ giúp giảm gánh nặng cho gan, kiểm soát men gan và cải thiện sức khỏe tổng thể. Cụ thể, 3 nhóm thực phẩm mà người bệnh men gan cao nên kiêng gồm:

1. Thức ăn nhiều dầu mỡ

Người bị men gan cao nên kiêng thức ăn nhiều dầu mỡ vì việc hấp thụ, chuyển hóa và đào thải chất béo gây áp lực lên gan. Không những thế, một vài loại chất béo xấu như cholesterol, trans fat và mỡ động vật còn kích hoạt phản ứng viêm ở gan, khiến men gan tăng cao hơn. Vì thế, chế độ ăn cho người men gan cao cần hạn chế tiêu thụ các thực phẩm nhiều dầu mỡ, chẳng hạn như thức ăn nhanh, đồ ăn chiên (rán), mỡ trong thịt gia súc, gia cầm,… để giảm tải áp lực cho gan, ổn định men gan và phòng ngừa bệnh lý gan tiến triển.

2. Thực phẩm chứa nhiều đường

Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ quá nhiều đường khiến gan liên tục gia tăng lưu trữ chất béo. Nguy hiểm hơn, quá trình tích mỡ vẫn tiếp tục diễn ra dù sau đó, bạn không hề tiêu thụ thêm bất kỳ gam đường nào. Về lâu dài, điều này góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ và khiến men gan tăng cao. Do đó, người bị men gan cao nên tránh tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường, chẳng hạn như bánh kẹo ngọt, bánh kem, hoa quả sấy khô và nước giải khát chứa đường.

3. Rượu bia, đồ uống có cồn

Rượu bia chứa cồn ethanol – là một chất kịch độc đối với gan. Tiêu thụ rượu bia khiến gan phải làm việc vất vả để đào thải cồn (ethanol). Quá trình này tạo ra các gốc tự do gây tổn thương gan, tăng men gan và thậm chí có thể làm chết một vài tế bào gan. Do đó, tránh rượu bia giúp bảo vệ gan, giảm tải và kiểm soát men gan hữu hiệu.

Thực phẩm người bị men gan cao nên kiêng, rượu bia

Người bệnh men gan cao cần tuyệt đối tránh xa rượu bia và nước giải khát chứa cồn

Kết hợp thay đổi lối sống và chế độ dinh dưỡng tốt người men gan cao

Người bệnh men gan cao cần kết hợp thay đổi lối sống và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng vì:

  • Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Bao gồm hạn chế thức ăn giàu đường, dầu mỡ và thực phẩm chứa cồn, giúp giảm tải áp lực cho gan, từ đó kiểm soát men gan và ngăn chặn sự tiến triển của các bệnh lý gan nguy hiểm.
  • Thay đổi lối sống: Nghiên cứu cho thấy, một chế độ tập thể dục 45 phút / ngày trong liên tục 8 tuần, giúp làm giảm nồng độ men gan ALT, AST rõ rệt, bất kể bạn tập cường độ nặng với các bài tập tạ hoặc cường độ vừa phải với các bài thể dục nhịp điệu. Mặt khác, việc chủ động nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc cũng góp phần bảo vệ và hỗ trợ quá trình phục hồi gan.

Nhờ đó, kết hợp thay đổi lối sống và cải thiện chế độ dinh dưỡng giúp người bệnh men gan cao cải thiện sức khỏe toàn diện, hạn chế tác động xấu đến gan và nhanh chóng đưa men gan về mức bình thường. Quan trọng nhất, hãy nhớ rằng chế độ ăn chỉ là một phần của quá trình điều trị men gan cao. Luôn tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và hỗ trợ bằng việc duy trì lối sống lành mạnh tổng thể.

Xem thêm:

Men gan cao uống gì để hạ men gan, giải độc gan hiệu quả

Thực đơn cho người men gan cao giúp hạ men gan từ chuyên gia

Trên đây là những thông tin quan trọng về chế độ ăn cho người bị men gan cao. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã hiểu rõ chế độ ăn uống cho người men gan cao đòi hỏi những nguyên tắc dinh dưỡng cụ thể gì để có sự điều chỉnh việc ăn uống một cách khoa học, hỗ trợ gan và nâng cao sức khỏe toàn diện.

Tóm lại, việc xây dựng một chế độ ăn cho người men gan cao đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc thay đổi chế độ dinh dưỡng, người bệnh men gan cao cần kết hợp tăng cường vận động, thay đổi nếp sống với việc khám sức khỏe định kỳ để được bác sĩ tư vấn một phác đồ điều trị bệnh tối ưu.

5/5 - (4 bình chọn)
10:26 17/07/2023