Men gan cao: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

13/06/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Men gan cao là tình trạng thường xảy ra ở những đối tượng có thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Bên cạnh đó, men gan tăng cao cũng là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về gan nguy hiểm như: viêm gan, xơ gan và ung thư gan,… Do đó, nếu tình trạng tăng men gan không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ tăng nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Vậy, nguyên nhân và triệu chứng men gan cao là gì? Đâu là cách ngăn ngừa tình trạng men gan tăng cao mất kiểm soát? Tất cả sẽ được giải đáp ngay trong bài viết sau.

men gan cao

Men gan cao là bệnh lý phổ biến do chế độ dinh dưỡng không lành mạnh

Men gan cao là gì?

Men gan cao là sự gia tăng bất thường về nồng độ của 4 loại men gan trong máu, trong đó bao gồm: men AST, ALT, ALP và GGT. Khi nồng độ men gan tăng cao hơn mức bình thường, đây là chỉ báo rõ rệt nhất cho thấy tế bào gan đang bị tổn thương. Bởi lẽ, các tế bào gan khi viêm thường rò rỉ một lượng men gan nhất định vào máu, từ đó làm tăng nồng độ men gan trong các xét nghiệm máu.

Trong cơ thể, men gan chính là các protein do gan sản xuất ra để làm tăng tốc độ phản ứng sinh hóa của các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, trong đó bao gồm: quá trình sản xuất mật, phân hủy thức ăn, hấp thụ dưỡng chất, chống viêm và chống nhiễm trùng. Vì thế, trong máu của bạn lúc nào cũng tồn tại một lượng men gan nhất định và thường dao động trong khoảng sau:

  • Men ALT: 4 – 36 UI/L;
  • Men AST: 8- 33 UI/L;
  • Men ALP: 44 – 147 UI/L;
  • Men GGT: 140 – 280 UI/L.

Tuy nhiên, bất cứ khi nào chỉ số men gan của bạn vượt qua các giá trị trên, đó chính là dấu hiệu cho thấy sức khỏe lá gan của bạn đang bị đe dọa, cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Triệu chứng men gan cao

Các triệu chứng men gan cao thường bắt đầu xuất hiện khi nồng độ men gan trong máu vượt qua nồng độ men gan thông thường từ 5 – 10 lần, cụ thể:

1. Ngứa da

Khi gan bị tổn thương, các độc tố không được đào thải ra khỏi cơ thể mà tích tụ dưới da gây mẩn ngứa, khó chịu, trong đó có bao gồm sự tích tụ của bilirubin – một phụ phẩm xuất hiện khi gan phân hủy các tế bào hồng cầu. Với triệu chứng này, bạn có thể cảm thấy ngứa ở dưới cánh tay hoặc toàn thân. Tần suất và cường độ tùy thuộc vào mức độ men gan tăng và mức độ tổn thương của gan.

2. Rối loạn tiêu hóa

Trong khi men gan tăng cao, các chức năng gan hỗ trợ cho quá trình tiêu hoá như chuyển hoá, tổng hợp và sản xuất mật,… thường không được thực hiện hiệu quả, từ đó làm gián đoạn hoạt động hấp thụ chất béo và hòa tan vitamin của ruột, khiến bạn dễ cảm thấy đầy bụng, buồn nôn, táo bón, thậm chí là trướng khí.

3. Vàng da

Triệu chứng vàng da được gây ra do hiện tượng tích tụ bilirubin – một sắc tố mật có màu vàng sẫm được sinh ra sau quá trình phân giải tế bào hồng cầu tại gan. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do gan không thể chuyển hóa và thanh thải được sắc tố bilirubin mà giải phóng trực tiếp chúng vào máu. Bên cạnh biểu hiện vàng da, người có men gan cao còn bị vàng mắt, móng tay và xuất hiện màng nhầy trong khoang miệng.

triệu chứng men gan cao

Vàng da thường xuất hiện khi men gan tăng ở mức trung bình hoặc cao

4. Phân có màu vàng nhạt, nước tiểu có màu đậm hơn

Gan bài tiết muối mật thông qua phân, khiến phân có màu nâu. Khi phân chuyển sang màu vàng nhạt, điều đó có nghĩa gan không sản xuất đủ mật hoặc dòng mật bị tắc nghẽn – những hệ quả của hiện tượng tăng men gan. Trong trường hợp dòng mật bị tắc nghẽn, bilirubin không thể đi vào đường tiêu hoá mà phải thải qua nước tiểu. Do đó, phân có màu vàng nhạt và nước tiểu màu đậm là hai triệu chứng men gan cao thường xuất hiện cùng nhau.

5. Phù nề

Men gan tăng cao, chức năng gan bị suy giảm khiến các chất độc, chất thải không được chuyển hóa và bài tiết hiệu quả. Lúc này, chúng sẽ tích tụ bên trong cơ thể, khiến gan bị viêm nhiễm, tích nước hoặc tắc nghẽn mạch máu, dẫn tới hiện tượng phù nề. Thông thường, phù nề do các vấn đề về gan thuộc loại phù mềm, khi ấn vào, vết lõm sẽ xuất hiện trong khoảng 2 – 3 phút, sau đó da mới căng trở lại. Vị trí phù nề phổ biến nhất nằm ở hai chân, cụ thể tại phần mắt cá và phần xương trước cẳng chân.

6. Các dấu hiệu men gan cao khác

Ngoài những triệu chứng trên, người bệnh men gan cao còn có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: buồn nôn, đau bụng, đi ngoài, mệt mỏi, chán ăn, ăn mất ngon, tâm lý thay đổi, hay nhầm lẫn, mất phương hướng, giảm ham muốn tình dục, v.v…

Nguyên nhân men gan cao

Men gan cao bắt nguồn từ các tổn thương trong tế bào gan, gây ra bởi lối sống thiếu lành mạnh, bị nhiễm virus viêm gan hoặc do các bệnh lý nền. Cụ thể:

1. Virus gây viêm gan

Viêm gan siêu vi do các loại virus viêm gan A, B, C là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng men gan cao. Khi gan bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng bằng cách phá hủy các tế bào gan chứa virus. Trong khi các tế bào bệnh bị tiêu huỷ thì các tế bào mới chưa kịp tái tạo để thay thế, khiến men ALT, AST liên tục được gan phóng thích vào máu, dẫn tới hiện tượng tăng men gan.

2. Lạm dụng rượu bia

Theo nghiên cứu, gan là cơ quan chịu tổn thương lớn nhất khi tiếp xúc với rượu bia, bởi đây là nơi chuyển hóa ethanol – chất cồn chủ đạo chứa trong rượu bia. Cụ thể, quá trình sàng lọc và đào thải các chất cồn sẽ khiến một số tế bào gan chết đi. Nếu tình trạng này kéo dài, gan sẽ không kịp sản xuất đủ các tế bào mới thay thế để đảm bảo chức năng gan, từ đó, làm tăng nguy cơ bị suy gan – một trong những nguyên nhân men gan cao phổ biến.

nguyên nhân men gan cao

Lạm dụng rượu bia có thể khiến men gan tăng cấp tính hoặc mãn tính

3. Tác dụng phụ của thuốc

Việc tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc giảm đau, hạ sốt (panadol, paracetamol, efferalgan,…) luôn tiềm ẩn nguy cơ khiến men gan cao. Bởi lẽ, các loại thuốc này đều được chuyển hoá tại gan. Nếu sử dụng quá liều, chúng sẽ khiến gan bị quá tải, dẫn tới tổn thương gan và giải phóng men gan.

4. Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, chất béo và cholesterol có khả năng cao khiến gan nhiễm mỡ. Theo nghiên cứu, 25 – 51% người bị men gan cao đều có tiền sử bị nhiễm mỡ tại gan. Bên cạnh đó, các chất độc từ thực phẩm như kim loại nặng, chất bảo quản, phẩm màu nhân tạo,… cũng là những nguyên nhân hàng đầu khiến tế bào gan bị tổn thương nghiêm trọng, kích thích quá trình giải phóng men gan vào máu.

5. Do bệnh lý

Ngoài ra, một số bệnh lý mãn tính cũng có khả năng làm tổn thương tế bào gan, khiến men gan tăng cao như:

  • Xơ gan: Xơ gan là quá trình thay thế mô gan bình thường bằng mô sẹo, gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện chức năng gan, từ đó gây tăng men gan;
  • Bệnh gan tự miễn: Một số bệnh gan tự miễn như viêm gan tự miễn (autoimmune hepatitis) hoặc xơ gan tự miễn (autoimmune cirrhosis) có thể gây tăng men gan do phản ứng miễn dịch gây tổn thương và viêm gan;
  • Ung thư gan: Ung thư gan, bao gồm ung thư gan nguyên phát và ung thư gan di căn từ các vị trí khác, có thể gây tăng men gan do tổn thương tế bào và rối loạn chức năng gan.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh men gan cao

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải tình trạng tăng men gan bao gồm: người ăn uống thiếu khoa học, lạm dụng rượu bia, thường xuyên sử dụng thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh nhân viêm gan, gan nhiễm mỡ, béo phì, xơ gan, viêm gan,… Ngoài ra, người thường xuyên tiếp xúc và hấp thụ các chất độc hại như thuốc trừ sâu, hoá chất công nghiệp, kim loại nặng,… cũng rất dễ mắc phải tình trạng này.

Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh men gan cao

Ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu khiến men gan cao

Chẩn đoán, xét nghiệm men gan cao

Để phát hiện kịp thời men gan tăng cao, bạn sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm men gan: Các hình thức xét nghiệm men gan bao gồm xét nghiệm nồng độ ALT, AST, ALP và GGT. Đây là các chỉ số trực tiếp chẩn đoán và đánh giá mức độ tình trạng men gan cao;
  • Xét nghiệm chức năng gan: Xét nghiệm chức năng gan hay xét nghiệm máu bổ sung là các xét nghiệm liên quan tới bilirubin huyết tương, albumin huyết tương và thời gian đông máu. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp đánh giá chức năng tổng thể của gan, từ đó phát hiện các tổn thương trong tế bào gan;
  • Xét nghiệm viêm gan và nhiễm siêu vi: Do viêm gan cũng là nguyên nhân chính làm tăng men gan, xét nghiệm viêm gan cũng giúp xác định tình trạng men gan cao ở người bệnh. Xét nghiệm bao gồm kiểm tra kháng thể và chất di truyền của virus viêm gan B, C;
  • Siêu âm gan: Siêu âm gan được sử dụng để đánh giá kích thước, hình dạng và cấu trúc tổ chức gan. Xét nghiệm này có thể xác định các đặc điểm bất thường trong gan, như dấu hiệu gan nhiễm mỡ, xơ gan hay các khối u;
  • Xét nghiệm dị ứng và chẩn đoán hình ảnh: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm dị ứng gan, và chẩn đoán hình ảnh như CT scan hay MRI để đánh giá sự tổn thương và bất thường của gan.

Để quá trình chẩn đoán, xét nghiệm men gan đạt hiệu quả, bạn nên tới các bệnh viện, phòng khám hoặc cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome. Đến với Nutrihome, bạn không những được xét nghiệm nồng độ 4 loại men gan cơ bản, mà còn được đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm tư vấn và đánh giá toàn diện chức năng gan. Từ đó, các chuyên gia sẽ tìm ra chính xác nguyên nhân khởi phát bệnh men gan cao, đề ra biện pháp điều trị hợp lý và ngăn ngừa sớm các biến chứng về sau.

Chẩn đoán, xét nghiệm men gan cao

Xét nghiệm men gan thực chất là xét nghiệm đo nồng độ men gan trong máu

Các mức độ men gan tăng cao

Tình trạng men gan tăng cao được chia 3 mức độ: nhẹ, trung bình, nặng. Mỗi mức độ có những triệu chứng đặc trưng để chẩn đoán và điều trị, cụ thể:

1. Mức độ nhẹ

Men gan cao ở mức độ nhẹ khi chỉ số men gan tăng dưới 5 lần so với mức bình thường. Ở giai đoạn này, các triệu chứng gần như chưa rõ ràng. Bạn chỉ có thể phát hiện tình trạng men gan tăng thông qua xét nghiệm nồng độ men gan.

2. Mức độ trung bình

Mức độ men gan tăng trung bình cao hơn 5 – 10 lần chỉ số thông thường. Lúc này, cơ thể bạn bắt đầu xuất hiện các triệu chứng men gan cao rõ rệt như mệt mỏi, chán ăn, vàng da, vàng mắt,…

3. Mức độ nặng

Tình trạng tăng men gan được coi là nghiêm trọng nhất khi mức men gan cao gấp hơn 10 lần bình thường. Những triệu chứng của giai đoạn này bao gồm sốt, suy nhược, sa sút trí lực, buồn nôn và nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hoá,…

Dưới đây là chi tiết các chỉ số men gan báo hiệu mức tăng men gan của bạn theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

  Nồng độ AST Nồng độ ALT Nồng độ GGT Nồng độ LDH
Men gan tăng nhẹ 40 – 80 UI/L 40 – 80 UI/L 40 – 80 UI/L 40 – 80 UI/L
Men gan tăng trung bình 80 – 200 UI/L 80 – 200 UI/L 80 – 200 UI/L 80 – 200 UI/L
Men gan tăng nặng Trên 200 UI/L Trên 200 UI/L Trên 200 UI/L Trên 200 UI/L

Men gan cao có nguy hiểm không?

Men gan cao rất NGUY HIỂM. Bệnh có khả năng dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Sau đây là một số tác hại của men gan cao:

  • Các bệnh lý nghiêm trọng về gan: Xơ gan, rối loạn chức năng gan, ung thư gan là các biến chứng của tình trạng men gan tăng cao. Các bệnh lý này đều khiến gan không thể thực hiện các chức năng tự nhiên, gây khó chịu, mệt mỏi, lâu dần dẫn tới suy nhược, nhiễm trùng…;
  • Ảnh hưởng đến các cơ quan khác: Gan là bộ phận quan trọng đối với hệ tiêu hoá và cơ thể. Khi gan không thể hoạt động hiệu quả, toàn bộ hệ tiêu hoá sẽ bị ảnh hưởng. Theo thời gian, người bệnh có thể mắc thêm các bệnh lý nghiêm trọng khác như viêm túi mật, nhồi máu cơ tim, động kinh,…
Men gan cao có nguy hiểm không?

Men gan cao dễ khởi phát thành các bệnh gan mạn tính nếu không được điều trị kịp thời

Men gan cao có lây không?

Men gan cao KHÔNG có khả năng lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu chế độ ăn uống và sinh hoạt trong gia đình thiếu khoa học, không lành mạnh, thì các thành viên có nhiều khả năng cùng mắc bệnh lý này một cách tự phát.

Điều trị men gan cao

Men gan cao không có thuốc đặc trị mà chỉ có thể chữa dứt điểm khi tìm đúng nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, nếu nguyên nhân:

  • Do chế độ ăn uống: Người bệnh cần hạn chế tuyệt đối rượu bia, tinh bột nhanh, thức uống chứa đường, thức ăn dầu mỡ, nhiều gia vị, đồng thời kết hợp điều chỉnh thói quen sống, tránh thức khuya, hút thuốc,…
  • Do viêm gan siêu vi: Các bác sĩ sẽ chỉ định bạn uống kháng sinh, kháng viêm, kết hợp cùng thực phẩm chức năng, điều chỉnh dinh dưỡng và lối sống để có phác đồ điều trị virus toàn diện nhất.

Nhìn chung, khi đã xác định được đúng nguyên nhân gây bệnh thì tình trạng men gan cao có thể được chữa trị dứt điểm trong vòng 01 tháng. Lưu ý, khi men gan cao ở mức độ nặng, người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc hạ men gan. Lúc này, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn điều trị theo phác đồ của bác sĩ, tránh các biến chứng nguy hiểm về sau.

Cách trị men gan cao tại nhà

Tình trạng men gan tăng nhẹ hoàn toàn có thể trở lại bình thường thông qua các phương thức hạ men gan tại nhà, cụ thể:

1. Hạn chế uống rượu

Rượu và các thức uống chứa cồn là “kẻ thù số một” của lá gan. Hạn chế uống rượu sẽ giúp giảm áp lực lên gan, từ đó, giảm tổn thương cho các tế bào gan, tạo điều kiện để gan sản sinh ra các tế bào mới. Để men gan hạ xuống mức bình thường, cách tốt nhất là bỏ hoàn toàn rượu và thức uống chứa cồn khỏi thực đơn hàng ngày. Bởi lẽ, lượng rượu tiêu thụ, dù ít, cũng rất có hại cho các chức năng gan.

2. Ưu tiên thực phẩm tự nhiên và hữu cơ

Thực phẩm tự nhiên và hữu cơ được nuôi trồng đạt chuẩn organic không chứa các chất độc hại như thuốc trừ sâu, chất bảo quản, phân bón hoá học,… Không những vậy, các loại thực phẩm này cũng sở hữu hàm lượng cao dưỡng chất, hỗ trợ quá trình tiêu hoá và tái tạo tế bào mới trong cơ thể. Vì vậy, thực phẩm tự nhiên và hữu cơ sẽ giúp giảm tải gánh nặng chuyển hóa cho lá gan, đồng thời, giúp gan phục hồi nhanh chóng khỏi các tổn thương, từ đó giúp làm giảm men gan.

Cách trị men gan cao tại nhà, Ưu tiên thực phẩm tự nhiên và hữu cơ

Người bệnh men gan cao nên ưu tiên tiêu thụ thực phẩm tự nhiên và hữu cơ

3. Ăn nhiều rau củ quả giúp hạ men gan

Chất xơ từ rau củ quả khi vào hệ tiêu hóa sẽ hoạt động như một chiếc “lá chắn”, hỗ trợ cơ thể thanh lọc nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm trước khi để chúng chạm đến gan. Bên cạnh đó, một số loại rau củ giàu vitamin C, các chất chống oxy hóa cũng là những “liều thuốc” hữu hiệu giúp giảm tổn thương cho tế bào gan, cụ thể:

  • Cải xoăn: Cải xoăn chứa chất chống oxy hóa như quercetin, kaempferol, vitamin C và các chất chống viêm, có khả năng giúp phục hồi tế bào gan, giảm men gan. Ngoài ra, cải xoăn còn cung cấp chất xơ, vitamin K và axit folic, có thể giúp hỗ trợ chức năng gan;
  • Cải bắp: Các chất chống viêm trong cải bắp như lưu huỳnh (sulphur), hay chất chống oxy hóa mạnh như anthocyanin có khả năng làm sạch gan, giảm men gan và ngăn ngừa ung thư gan hiệu quả;
  • Cà rốt: Cà rốt rất giàu chất xơ, vitamin A, C và K, hỗ trợ giảm tổn thương và tăng chức năng gan.

Như vậy, tăng cường rau củ quả trong thực đơn hàng ngày sẽ giúp tăng cường chất xơ, chất chống viêm, chống oxy hóa và các dưỡng chất cần thiết để gan phục hồi nhanh chóng.

4. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng hiệu quả quá trình hệ tiêu hoá và bài tiết. Đồng thời, chế độ tập luyện và ăn uống khoa học cũng giúp bạn giảm cân, giảm mỡ gan; từ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ – các nguyên nhân hàng đầu làm tăng men gan. Một số bài tập hỗ trợ hạ men gan tại nhà bao gồm: chạy bộ, yoga, thể dục nhịp điệu,…

5. Bỏ thuốc lá

Thuốc lá chứa đến 4000 chất độc khác nhau. Trong đó, một số chất như nicotine, formaldehyde, arsenic,… có khả năng gây ung thư. Để thanh lọc các chất này, gan phải hoạt động với cường độ cao, dẫn tới tổn thương tế bào và tăng men gan. Vì vậy, bỏ hút thuốc sẽ giúp giảm tổn thương tế bào và giảm mức men gan.

Điều trị men gan tăng cao, bỏ thuốc lá

Bỏ thuốc lá góp phần làm tăng hiệu quả điều trị bệnh men gan cao

Chế độ ăn cho người men gan cao

Chế độ ăn cho người bị men gan cao cần đảm bảo những tiêu chuẩn gì? Người men gan cao cần kiêng những loại thực phẩm nào? Dưới đây là lời giải đáp cho những thắc mắc trên:

1. Men gan tăng cao nên ăn gì?

Chế độ ăn cho người bị men gan cao nên giàu chất xơ, chất oxy hoá và các dưỡng chất giúp phục hồi chức năng gan. Dưới đây là một số thực phẩm hạ men gan mà bạn có thể tham khảo:

  • Rau xanh: Rau xanh giàu chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp thanh lọc gan và hỗ trợ chức năng gan, bao gồm: cải xanh, súp lơ, rau muống, rau ngót, rau cải thìa và các loại rau xanh lá khác;
  • Các loại quả: Các loại quả mọng (nho, dâu, nam việt quất, phúc bồn tử, việt quất,…), quả có nhiều múi (cam, chanh, bưởi, quýt,…)chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin C, giúp giảm tổn thương gan;
  • Hạt và ngũ cốc: Lúa mạch, yến mạch, hạt lanh và hạt chia đều rất giàu chất đạm, chất xơ và các chất chống oxy hóa. Trong đó, chất đạm được biết đến với công dụng tái tạo tế bào mới, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương của gan;
  • Các loại cá giàu omega 3: Omega 3 trong cá hồi, cá thu, cá trích và cá mòi. Omega-3 có tác dụng giúp giảm việc tổn thương gan và có lợi cho sức khỏe tim mạch;
  • Uống đủ nước: Cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp giảm tải công việc cho gan và duy trì chức năng gan tốt. Do đó, hãy uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để cải thiện chỉ số men gan.
Men gan tăng cao nên ăn gì

Rau củ quả, cá béo, các loại hạt và ngũ cốc là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu với người bệnh men gan cao

2. Men gan tăng cao không nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm người bị tăng men gan nên kiêng trong quá trình điều trị bao gồm:

  • Cồn: Người bị men gan cao tuyệt đối không nên uống rượu bia và thức uống chứa cồn;
  • Thực phẩm có hàm lượng chất béo cao: Hạn chế tiêu thụ thực phẩm có chứa chất béo bão hòa và chất béo tổng hợp bao gồm đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán, da và mỡ động vật,…;
  • Thực phẩm quá mặn/ quá ngọt: Bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường hoặc muối như bánh kẹo, mứt, nước ngọt, các món mắm, dưa muối, đồ ăn đóng hộp,… để tránh tích tụ chất béo và giảm gánh nặng lên lá gan.

Ngoài ra, để biết chi tiết các lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bị men gan cao, bạn cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ tùy theo tình trạng bệnh. Hiện nay, tại Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, bạn có thể sử dụng dịch vụ Tư vấn dinh dưỡng theo bệnh lý để có một thực đơn khoa học và có lợi trong quá trình điều trị.

Cách phòng ngừa bệnh men gan cao

Biện pháp phòng ngừa men gan cao tốt nhất chính là duy trì một chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh. Bạn có thể áp dụng chế độ ăn uống nêu trên kết hợp với việc tập thể dục 30 – 60 phút mỗi ngày. Đồng thời, người có bệnh lý nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, phòng tránh viêm gan siêu vi bằng cách tiêm vắc-xin cũng giúp ngăn ngừa men gan cao. Hiện nay, người lớn và trẻ em từ 16 tuổi có thể tiêm vắc-xin viêm gan A, B theo phác đồ sau:

  • Mũi 1 được tiêm tuỳ theo ngày đăng ký;
  • Mũi 2 tiêm sau mũi 1 khoảng 1 tháng;
  • Mũi 3 tiêm sau mũi 2 khoảng 5 tháng.
Cách phòng ngừa bệnh men gan cao

Tiêm phòng viêm gan là cách ngăn ngừa bệnh men gan cao do virus tấn công

Nghi men gan tăng: Khi nào đi khám bác sĩ?

Vì các triệu chứng sẽ không biểu hiện rõ ràng cho đến khi men gan tăng ở mức trung bình và cao, nên bạn cần thăm khám đều đặn theo lịch khám sức khỏe định kỳ, từ 1 – 2 lần/ năm. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng như mẩn ngứa, vàng da,…, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.

Trên đây là những thông tin về men gan cao, các triệu chứng men gan cao và cách phòng chống bệnh lý này. Hy vọng bài viết cung cấp đầy đủ thông tin để bạn kịp thời nhận diện tình trạng men gan của bản thân và có phương pháp điều trị kịp thời.

Men gan cao là bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng lớn tới chức năng gan. Để phòng tránh tình trạng này, mỗi người cần phải ý thức được vai trò của một chế độ ăn uống và lối sống khoa học. Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome rất vui khi đồng hành cùng bạn trên hành trình sống khỏe mỗi ngày.

Rate this post
14:54 13/06/2023