Dậy thì muộn (Dậy thì trễ): Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách điều trị

31/05/2021 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Dậy thì muộn là tình trạng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở các bé trai. Trẻ bị dậy thì muộn không chỉ có tâm lý tự ti mà còn ảnh hưởng sự phát triển toàn diện về thể chất của bé. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Nutrihome tìm hiểu chi tiết các nguyên nhân, dấu hiệu và cách để điều trị chứng dậy thì muộn ở trẻ nhỏ.

Dậy thì muộn là gì?

Dậy thì muộn là khi các dấu hiệu trưởng thành về mặt thể chất của trẻ KHÔNG xuất hiện ở tuổi 12 đối với bé gái hoặc 14 tuổi đối với bé trai. Thông thường, tuổi dậy thì là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về vóc dáng ở trẻ, giúp chuyển đổi một đứa trẻ thành người trưởng thành. Theo đó, những thay đổi của tuổi dậy thì bắt đầu khi trẻ từ 10 – 12 tuổi đối với bé gái và từ 12 – 14 tuổi đối với bé trai. Tuy nhiên, một số trẻ đã vượt qua độ tuổi này mà không hề có bất kỳ dấu hiệu trưởng thành nào về mặt thể chất nên được gọi là dậy thì muộn.

dậy thì muộn là gì

Dậy thì muộn thường xuất hiện nhiều ở bé trai hơn bé gái

Nguyên nhân Dậy thì muộn ở trẻ

1. Lịch sử gia đình

Theo các nghiên cứu di truyền học, gen quyết định từ 50 – 80% thời điểm dậy thì của trẻ. Vì thế, lịch sử gia đình hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của một cá nhân. Chẳng hạn như trong gia đình bạn có bố mẹ, anh chị em hoặc họ hàng có chiều cao thấp hoặc phát triển chậm hơn so với bình thường thì bạn cũng sẽ có nguy cơ rơi vào trường hợp tương tự. Về cơ bản, dậy thì trễ do gen di truyền thường không cần điều trị. Cơ thể trẻ vẫn sẽ tiếp tục phát triển theo thời gian chỉ là muộn hơn so với hầu hết các bạn bè cùng trang lứa.

2. Nguyên nhân từ các vấn đề y tế

Một số bất ổn về sức khỏe như mắc các bệnh mạn tính, suy dinh dưỡng hay vấn đề về tuyến giáp có thể khiến trẻ dậy thì muộn. Cụ thể:

Các bệnh mạn tính

Hầu hết trẻ em mắc bất kỳ bệnh mãn tính nào cũng có thể bị chậm dậy thì. Nguyên nhân là bởi tình trạng bệnh dễ khiến các em bị nhiễm trùng tái phát, suy giảm miễn dịch, rối loạn hệ tiêu hóa, rối loạn thận, rối loạn ăn uống cũng như dễ mắc các bệnh hô hấp, thiếu máu mãn tính, bệnh nội tiết và một số bất thường khác.

Đặc biệt, một số trẻ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, xơ nang, bệnh thận hoặc thậm chí hen suyễn luôn bị dậy thì muộn hơn so với người bình thường. Vì thế, nếu bố mẹ có thể giúp bé phòng bệnh từ sớm hoặc áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp để kiểm soát tốt tình trạng bệnh thì vẫn có thể làm giảm khả năng dậy thì muộn ở trẻ.

Nguyên nhân Dậy thì muộn ở trẻ

Trẻ mắc bệnh hen suyễn thường có nguy cơ bị dậy thì muộn

Suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng (sdd) là tình trạng trẻ không nhận đủ lượng đạm (protein) và năng lượng từ khẩu phần ăn của mình trong suốt một thời gian dài. Vì bị thiếu dinh dưỡng quá lâu nên trẻ sdd thường dễ bị rối loạn ăn uống, rối loạn chuyển hóa, khiến cân nặng sa sút đến mức cơ thể kiệt quệ, không thể phát triển bình thường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng trong thời thơ ấu của trẻ có liên quan trực tiếp đến tình trạng dậy thì muộn và ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng ở tuổi dậy thì. Không những thế, những trẻ bị sdd trong thời thơ ấu thường có xu hướng bị sdd cao hơn trong những năm tháng trưởng thành. Khi bước vào giai đoạn tiền dậy thì (6 – 11 tuổi), nếu không may trẻ tiếp tục bị suy dinh dưỡng thì dù là sdd dạng vừa hay sdd dạng nặng đều có thể khiến trẻ bị dậy thì muộn vào những năm sau đó.

Vấn đề tuyến giáp

Hormone tuyến giáp rất cần thiết cho sự tăng trưởng bình thường, phát triển cơ quan sinh dục và chức năng sinh sản của trẻ. Vì thế, bệnh suy giáp nếu được chẩn đoán muộn trong những năm tiền dậy thì, có thể gây ra hiện tượng dậy thì muộn hoặc dậy thì sớm nhưng không trọn vẹn ở trẻ. May mắn thay, bệnh suy giáp nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì trẻ hoàn toàn có thể dậy thì bình thường, khỏe mạnh như bạn bè đồng trang lứa.

3. Nguyên nhân do DNA

Hội chứng Turner

Hội chứng Turner xảy ra khi một trong hai nhiễm sắc thể X của phụ nữ bị thiếu đi một phần hoặc toàn bộ. Từ đó, bệnh gây ra những rối loạn về cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của buồng trứng và quá trình sản xuất hormone giới tính. Nữ giới mắc hội chứng Turner thường có chiều cao thấp hơn bình thường, dậy thì muộn và mắc các vấn đề về sức khỏe khác.

Hội chứng Klinefelter

Hội chứng Klinefelter chỉ những bé trai khi được sinh ra sẽ có thêm một nhiễm sắc thể X (tức là XXY thay vì XY). Tình trạng này có thể làm chậm sự phát triển tình dục của trẻ. Những người đàn ông mắc bệnh này thường cao hơn so với tuổi, có thể gặp các vấn đề về học tập và sức khỏe khác.

Ai có nguy cơ bị dậy thì muộn?

Dậy thì muộn thường xảy ra ở thanh thiếu niên, nhưng không phải tất cả các thanh thiếu niên đều có dấu hiệu của dậy thì muộn. Thay vào đó, nguy cơ dậy thì muộn thường chỉ xuất hiện ở những bé có một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Cha mẹ hoặc anh chị em của bé bị dậy thì muộn;
  • Trẻ có tiền sử bị bệnh mãn tính;
  • Trẻ có tiền sử bị mắc các hội chứng bẩm sinh;
  • Trẻ bị môi trường sống tác động, gây áp lực, stress, căng thẳng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.
  • Trẻ bị rối loạn ăn uống và bị thiếu hụt dinh dưỡng thiết yếu.
Ai có nguy cơ bị dậy thì muộn?

Trẻ biếng ăn hoặc suy dinh dưỡng cũng có nguy cơ mắc chứng dậy thì muộn cao hơn trẻ khỏe mạnh

Dấu hiệu Dậy thì muộn

Do sự khác biệt về giới tính mà dấu hiệu của dậy thì muộn ở nam và nữ rất khác nhau. Cụ thể:

1. Dậy thì muộn ở bé trai

Bé trai dậy thì muộn là khi bé đã 14 tuổi mà có một hoặc nhiều dấu hiệu sau:

  • Chưa phát triển chiều cao, cân nặng và cơ bắp.
  • Chưa có dấu hiệu mọc ria mép, nổi mụn, da dầu trên gương mặt;
  • Lông chưa dày và sậm màu ở vùng bắp chân, cánh tay và đặc biệt, bé hoàn toàn không vỡ giọng.

Thông thường, sau khi có dấu hiệu dậy thì đầu tiên, bé trai sẽ tăng vọt cà về chiều cao lẫn cân nặng. Tuy nhiên, nếu trẻ đã vượt qua tuổi 14 nhưng không hề cao lên thì gần như trẻ đã mắc chứng dậy thì muộn. Mặc dù giai đoạn tăng trưởng sinh dục của bé trai dậy thì muộn có thể bị trì hoãn từ 2 – 4 năm so với bạn bè đồng trang lứa, tuy nhiên nếu được cung cấp một chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý, trẻ vẫn sẽ phát triển đuổi kịp bạn bè vào năm 18 tuổi và có chiều cao bình thường như người trưởng thành.

2. Dậy thì muộn ở bé gái

Giai đoạn dậy thì ở bé gái bắt đầu khi hai loại hormone là hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) được hình thành; từ đó, giúp cho buồng trứng phát triển và bắt đầu sản xuất estrogen. Vì thế, bé gái dậy thì muộn là khi bé đã 13 tuổi mà:

  • Kích thước ngực không tăng lên ở tuổi 13;
  • Chiều cao thấp lùn và tốc độ tăng trưởng chậm hơn bạn bè đồng trang lứa;
  • Không có lông mu, lông vùng dưới cánh tay;
  • Kinh nguyệt không bắt đầu ở tuổi 16;
  • Tử cung không phát triển.

Chẩn đoán Dậy thì muộn

Ngoài tiền sử sức khỏe đầy đủ và khám sức khỏe, chẩn đoán dậy thì muộn có thể bao gồm:

1. Xét nghiệm máu

Được thực hiện để đo mức độ hormone và tìm kiếm các vấn đề về nhiễm sắc thể, cũng như các rối loạn mãn tính có thể làm chậm quá trình dậy thì ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, các xét nghiệm này cũng có thể giúp bé kiểm tra được dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc thiếu máu. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy:

  • Nồng độ cao hormone LH, FSH và estradiol: Nghĩa là buồng trứng không hoạt động bình thường và cần kích thích tuyến yên để kích thích buồng trứng hoạt động mạnh hơn.
  • Nồng độ thấp hormone LH, FSH và estradiol: Nghĩa là nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé có thể do lượng mỡ thừa gây nên hoặc do bị thiếu hụt lượng hormone LH, FSH mạn tính.

Nếu không rõ nguyên nhân gây suy buồng trứng sớm, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm karyotype (lập bộ nhiễm sắc thể) để kiểm tra hội chứng về nhiễm sắc thể giới tính X. Các xét nghiệm khác như chụp cộng hưởng từ não (MRI) và chụp X-Quang tay có thể được chỉ định nếu bác sĩ nghi ngờ cơ thể trẻ đang thiếu hormone tuyến yên. Cụ thể:

2. Chụp X-Quang

Việc chụp X-quang có thể giúp các bác sĩ kiểm tra được tình trạng của các mô và xương của trẻ. Loại kiểm tra này thường được thực hiện ở bàn tay trái và cổ tay để ước tính tuổi xương của trẻ. Những đứa trẻ dậy thì muộn thường có tuổi xương trẻ hơn tuổi thật.

3. Chụp cộng hưởng từ MRI

Tương tự như chụp X-Quang, chụp MRI có thể giúp cho các bác sĩ kiểm tra được tình trạng thực tế của các cơ quan bên trong cơ thể trẻ. Điểm khác nhau giữa chụp MRI và chụp X-Quang đó là MRI có thể cho thấy xương, cơ, mỡ và các cơ quan nội tạng chi tiết hơn chụp X-Quang.

Chẩn đoán Dậy thì muộn

Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán dấu hiệu dậy thì muộn và dậy thì không hoàn toàn ở thanh thiếu niên

Điều trị dậy thì muộn

Việc điều trị dậy thì muộn như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây dậy thì muộn. Khi nguyên nhân được xác định và được điều trị đúng cách, thì quá trình dậy thì của trẻ sẽ diễn ra bình thường. Nếu nguyên nhân dậy thì muộn là do di truyền, thì thường sẽ không cần phải điều trị bởi vì trẻ vẫn sẽ phát triển đuổi kịp bạn bè vào năm 18 tuổi.

Tuy nhiên, nếu bé dậy thì muộn do bệnh lý, các bác sĩ có thể cho đưa hormone sinh dục vào cơ thể trẻ để kích thích quá trình dậy thì sớm hơn. Theo đó, có hai phương pháp điều trị dậy thì muộn ở trẻ nhỏ là:

  • Với bé trai: Bé có thể được tiêm testosterone mỗi tháng. Một đợt tiêm sẽ kéo dài từ 4 đến 6 tháng. Quá trình này sẽ giúp kích thích các hormone testosterone phát triển để thúc đẩy tiến trình dậy thì ở trẻ. Ngoài ra, trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được thực hiện để khắc phục các vấn đề thể chất đối với bé trai bị dậy thì muộn.
  • Với bé gái: Bé được chỉ định sử dụng estrogen liều thấp bằng thuốc viên hoặc miếng dán ngoài da để kích thích phát triển ngực. Liệu pháp này đặc biệt mang lại hiệu quả cao đối với những bé mắc hội chứng Turner.
Điều trị dậy thì muộn

Tiêm testosterone và estrogen giúp điều trị dậy thì muộn cho trẻ

Những biến chứng có thể xảy ra của dậy thì muộn là gì?

Nhìn chung, với cả nam và nữ, dậy thì muộn đã được chứng minh là ảnh hưởng đến mật độ khoáng xương đến cả khi trẻ trưởng thành. Không những thế, dậy thì muộn cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tâm lý xã hội, thành tích học tập của trẻ. Bên cạnh đó, với những người có tiền sử dậy thì muộn thì nguy cơ mắc các bệnh rối loạn về chuyển hóa dinh dưỡng và tim mạch cũng cao hơn.

Tuy nhiên, do sự khác biệt về giới tính mà những biến chứng của dậy thì muộn có thể khác nhau ở bé trai và bé gái. Chi tiết như sau:

1. Ảnh hưởng của dậy thì muộn đối với bé trai

Dậy thì muộn có thể gây các biến chứng cho bé trai như sau:

  • Thấp lùn: Hầu hết các bé trai dậy thì muộn thường có chiều cao thấp hơn nhiều so với các bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, nếu được theo dõi và điều trị kịp thời, các bé vẫn có thể bắt kịp chiều cao của bạn bè vào năm 18 tuổi và phát triển bình thường.
  • Mặc cảm tự ti: Dậy thì muộn cũng gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của các bé trai khiến bé cảm thấy mình yếu đuối, ít “nam tính”, dễ bị bạn bè trêu chọc, có nguy cơ tách mình ra khỏi tập thể, rối loạn tâm lý, không muốn giao tiếp với bạn bè, thậm chí là trầm cảm.
  • Nguy cơ vô sinh: Khi hệ thống nội tiết tố sinh dục nam không hoạt động, cơ quan sinh dục nam sẽ không thể phát triển từ đó dẫn đến dương vật bị nhỏ và tinh hoàn teo lại. Đây là một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng vô sinh ở nam giới và khả năng tổng hợp testosterone của tinh hoàn.

2. Ảnh hưởng của dậy thì muộn đối với bé gái

Bước vào độ tuổi dậy thì, bé gái thường thích làm đẹp. Do đó, dậy thì muộn khiến trẻ cảm thấy mình ít nữ tính, không thể thỏa mãn những niềm vui hay sở thích riêng như việc theo đuổi một gu làm tóc hay một phong trang điểm, làm tóc và thời trang như người trưởng thành. Những bé gái dậy thì muộn cũng thường có tâm lý tự ti về ngoại hình và lo lắng về khả năng sinh sản sau này.

Tuy nhiên, về cơ bản thì dậy thì muộn không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bé gái khi trưởng thành. Để tránh mặc cảm về tâm lý, phụ huynh cần chia sẻ nhiều hơn với trẻ để bé cảm thấy vui vẻ và thoải mái hơn.

biến chứng có thể xảy ra của dậy thì muộn ở bé gái

Dậy thì muộn dễ khiến bé gái tự ti về ngoại hình

Khám dậy thì muộn ở đâu uy tín?

Nutrihome là hệ thống phòng khám dinh dưỡng hàng đầu tại Việt Nam chuyên cung cấp các dịch vụ khám và điều trị dậy thì muộn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Dịch vụ này nhằm giúp cho các bác sĩ có thể chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị kịp thời để hạn chế sự tác động tiêu cực của triệu chứng dậy thì muộn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Các bước tiến hành dịch vụ khám dậy thì muộn ở Nutrihome bao gồm:

  • Khám tổng quát: Trong bước này, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng quan tình trạng sức khỏe của trẻ, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và mức độ phát triển thể chất của trẻ.
  • Khám chuyên khoa: Bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện các bước khám cụ thể, như kiểm tra sự phát triển của các bộ phận sinh dục, đo đạc chiều cao, cân nặng, xét nghiệm máu để phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hoặc các triệu chứng bất thường khác.
  • Kiểm tra hormone: Trong bước này, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng của trẻ và đưa ra các giải pháp điều trị phù hợp.
  • Tư vấn dinh dưỡng: Tại Nutrihome, bác sĩ dinh dưỡng sẽ tư vấn về chế độ ăn uống cho trẻ, giúp trẻ tăng cường sức khỏe và phát triển chiều cao, tránh các vấn đề về dinh dưỡng cản trở sự phát triển tự nhiên của bé.
Khám dậy thì muộn ở đâu uy tín?

Trẻ dậy thì muộn đang được thăm khám và điều trị tại Nutrihome

Sau khi hoàn tất các bước kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận và đề xuất các giải pháp điều trị, tư vấn cho phụ huynh và trẻ cách để chăm sóc và phát triển tốt nhất. Đặt lịch khám Dịch vụ khám dậy thì muộn tại Nutrihome để được các bác sĩ có chuyên môn cao, có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu về sức khỏe giới tính của trẻ thăm khám và điều trị.

Ngoài ra, Nutrihome còn cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ cho phụ huynh về cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ, giúp phát hiện sớm và giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ, đồng thời tăng cường kiến thức và nhận thức của phụ huynh về dậy thì muộn.

Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng dậy thì muộn ở trẻ, bao gồm các nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị cụ thể. Để giúp trẻ không bị dậy thì muộn, cha mẹ cần tạo ra môi trường sống lành mạnh, dinh dưỡng đầy đủ, thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của con và đưa con đi khám định kỳ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về thời điểm dậy thì, bố mẹ nên đưa con đi khám ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

5/5 - (1 bình chọn)
09:15 09/03/2023