Xét nghiệm vi chất dinh dưỡng cho trẻ có hại không?
Bé gái nhà tôi 6 tuổi, đi khám bác sĩ nói suy dinh dưỡng nhẹ cân, bị thiếu vi chất này nọ làm tôi lo quá. Xin bác sĩ cho biết tôi cần cho cháu làm xét nghiệm gì, ở đâu để biết cháu có thiếu thừa chất gì không, và làm các xét nghiệm này có hại gì không?
Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn.
Bé 6 tuổi có suy dinh dưỡng nhẹ nhưng rất tiếc bạn không cung cấp chiều cao cân nặng của con hiện nay nên tôi cũng không thể ước lượng được bé suy dinh dưỡng ở mức độ nào. Thông thường suy dinh dưỡng ở mức độ hơi nhẹ thì đã xảy ra tình trạng thiếu vi chất rồi. Đối với trẻ suy dinh dưỡng trường diễn (xảy ra từ dưới 2 tuổi đến giai đoạn 6 tuổi) thì lúc nào cũng có tình trạng thiếu vi chất. Ngay cả khi chúng ta cho bé ăn đủ thì việc hấp thu của ruột cũng kém hơn so với những trẻ có tình trạng dinh dưỡng bình thường.
Câu hỏi của bạn thì tôi chỉ có thể trả lời một cách rất chung chung là trẻ suy dinh dưỡng có tồn tại tình trạng thiếu vi chất. Tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng vì tình trạng này có thể được phát hiện thông qua việc thăm khám, làm xét nghiệm máu để định lượng nồng độ các chất dinh dưỡng dự trữ trong máu.. Ngoài ra cũng có một vài trường hợp bác sĩ cho chụp xương hoặc làm thêm xét nghiệm mật độ xương để thăm dò một vài chất dinh dưỡng khác nằm trong xương. Như vậy chúng ta sẽ có các biện pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng bằng cách thay đổi khẩu phần ăn. Khẩu phần ăn sẽ được thiết kế lại sao cho cung cấp nhiều hơn các chất dinh dưỡng mà bé đang thiếu. Đối với những trẻ thiếu nhiều, ta có thể bổ sung các chế phẩm dạng thuốc, siro hoặc viên.
Một vấn đề quan trọng là con mình đang ở độ tuổi lên 6. Từ 2 tuổi trở đi cho đến giai đoạn tiền dậy thì (8-9 tuổi), chiều cao của bé không phát triển nhanh mà chỉ vừa phải – đây là sinh lý bình thường của cơ thể. Trong giai đoạn này, nếu chúng ta thấy con mình bị suy dinh dưỡng rồi trở nên lo lắng và bổ sung một loạt các vi chất, tăng cường chế độ ăn nhiều bổ dưỡng thì cần phải thận trọng. Các vi chất dinh dưỡng nếu không được hấp thu mà trở nên thừa thì sẽ chỉ làm tăng cân trong khi không tăng được chiều cao nhiều. Tăng cân trong giai đoạn chiều cao không tăng được nhiều có liên quan đến tăng khối mỡ, khối mỡ càng tăng thì tốc độ dậy thì sớm càng dễ xảy ra.
Do đó, phục hồi dinh dưỡng cho bé cần phải thận trọng theo một con số tỷ lệ bắt buộc giữa chiều cao và cân nặng. Trung bình ở độ tuổi này, mỗi 1 tháng trẻ phải tăng 0,3cm (3 tháng 1cm) và cân nặng trung bình tăng 200gram đối với trẻ bình thường, 250gram đối với trẻ suy dinh dưỡng. Nếu bạn thấy con mình 3 tháng mới tăng được 1cm chiều cao nhưng tháng nào cũng tăng 300gram cân nặng thì coi chừng đã có hiện tượng tích lũy mỡ trong cơ thể, cần phải điều chỉnh khẩu phần ăn. Bạn nên đến một trung tâm có chuyên viên dinh dưỡng, chuyên viên tiết chế hoặc bác sĩ dinh dưỡng để được thiết kế khẩu phần ăn tốt nhất, phù hợp nhất cho con. Khẩu phần ăn là riêng biệt cho từng bé, không thể sử dụng thực đơn của bé này cho bé khác vì tình trạng dinh dưỡng là khác nhau, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và các vi chất bị thiếu cũng khác nhau. Con bạn có thể thiếu vi chất A trong khi những trẻ khác cũng trong tình trạng suy dinh dưỡng lại thiếu vi chất B. Lúc đó, bác sĩ sẽ cho các loại thuốc bổ sung hoàn toàn khác nhau.
Gửi câu hỏi