Thiếu sắt: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

13/04/2023 Theo dỗi Nutrihome trên google news
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome

Thiếu sắt không chỉ gây ra tình trạng thiếu máu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe toàn diện của con người. Vậy thiếu sắt có biểu hiện gì? Cách phòng ngừa và điều trị thiếu sắt ra sao? Hãy cùng tham khảo tư vấn chuyên môn từ ThS.BS Nguyễn Duy Anh Tùng – Bác sĩ dinh dưỡng tại của Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome ngay trong bài viết dưới đây!

Thiếu sắt: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Thiếu sắt là tình trạng rối loạn dinh dưỡng cực kỳ phổ biến hiện nay

Thiếu sắt là gì?

Thiếu sắt là tình trạng cơ thể không được cung cấp đủ chất sắt so với nhu cầu của cơ thể. Đây là một trong loại rối loạn dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới. Thiếu sắt làm ảnh hưởng đến quá trình tạo ra tế bào hồng cầu, gây nên bệnh thiếu máu, làm suy yếu toàn bộ hệ miễn dịch, chức năng trao đổi chất, sức khỏe tâm thần, cảm nhận giác quan và sức mạnh cơ bắp,…Nếu tình trạng thiếu máu do thiếu sắt tiếp tục kéo dài, bệnh có thể khiến cho:

  • Trẻ em: Tăng nguy cơ bị chậm lớn, chững cân, thấp lùn, còi cọc, sa sút trí tuệ và suy dinh dưỡng,….
  • Người lớn: Thường xuyên bị mệt mỏi, uể oải, khó thở, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, da dẻ tái nhợt, rối loạn dinh dưỡng, rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như rối loạn tự miễn, bệnh Crohn, bệnh lupus ban đỏ, bệnh thấp khớp và viêm loét đại tràng.

Nguyên nhân thiếu sắt

Ngoại trừ những trường hợp mắc các bệnh di truyền hiếm gặp thì phần lớn nguyên nhân gây thiếu sắt ở cả trẻ em và người trưởng thành là do yếu tố môi trường. Theo đó, có 5 nguyên nhân khách quan gây thiếu sắt trong cơ thể, bao gồm:

1. Không ăn đủ thực phẩm giàu chất sắt

Cơ thể thường tự dự trữ một lượng sắt nhất định từ khi sinh ra nhưng chúng sẽ bị hao hụt dần khi chúng ta bước qua giai đoạn 6 tháng tuổi. Mặt khác, cơ thể lại không thể tự tạo ra sắt mà cần phải được bổ sung sắt thông qua chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Do đó, việc ăn uống thiếu chất sắt – dù từ bất kỳ nguyên nhân gì – đều có thể khiến cho cơ thể bị thiếu sắt.

2. Rối loạn hấp thụ sắt

Thông thường, sắt trong thực phẩm sẽ được đưa vào dạ dày và hấp thụ thông qua cơ quan tiêu hóa. Tuy nhiên, một số chứng bệnh đặc thù như bệnh viêm ruột mãn tính (Crohn) hay bệnh teo nhung mao ruột (celiac) sẽ gây rối loạn chuyển hóa sắt, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ khoáng chất này của cơ thể.

3. Tăng nhu cầu về chất sắt

Một số đối tượng đặc biệt như phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, đang mang thai hoặc đang cho con bú sẽ có nhu cầu tiêu thụ chất sắt nhiều hơn người bình thường. Do đó, việc không đáp ứng đủ nhu cầu sắt đang gia tăng trong cơ thể dễ dẫn đến tình trạng thiếu sắt.

Nguyên nhân thiếu sắt

Phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu sắt cao hơn người bình thường

4. Mất máu

Trong máu có rất nhiều sắt. Do đó, nếu bạn bị mất máu nhiều do kinh nguyệt, sinh nở, chấn thương hay phẫu thuật, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bị mất đi một lượng lớn chất sắt. Mặt khác, một số tình trạng nhiễm ký sinh trùng như giun móc cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu sắt do mất máu.

5. Tập thể dục cường độ cao

Khi tập thể dục cường độ cao, cơ thể sẽ sản xuất nhiều mồ hôi hơn để giải nhiệt. Nghiên cứu cho thấy, mồ hôi có chứa nhiều khoáng chất khác nhau, trong đó bao gồm sắt. Do đó, sự mất mát sắt thông qua mồ hôi có thể là một nguyên nhân gây thiếu sắt.

Mặt khác, tập thể dục cường độ cao có thể gây ra sự phá hủy hồng cầu trong quá trình tập luyện do gia tăng áp suất trong lòng mạch máu. Những chuyển động mạnh mẽ khi tập thể dục có thể làm hồng cầu bị vỡ nếu chúng không đủ bền để chịu đựng. Khi hồng cầu bị phá hủy, sắt sẽ được giải phóng và phân hủy, dẫn đến thiếu sắt.

Ai dễ bị thiếu sắt?

Thiếu sắt có thể xuất hiện ở mọi đối tượng thuộc nhiều lứa tuổi và giới tính khác nhau. Trong số đó, có những đối tượng dễ bị thiếu sắt hơn người bình thường, đó là:

  • Trẻ sơ sinh và sinh non: Trong sữa mẹ có chứa rất ít sắt. Do đó, trẻ sơ sinh rất dễ bị thiếu sắt nếu chỉ bú mẹ mà không được ăn dặm đầy đủ. Trong khi đó, trẻ sinh non dễ bị thiếu sắt vì trữ lượng sắt trong cơ thể của bé không đủ để cơ thể dùng trong 6 tháng đầu đời.
  • Trẻ nhỏ: Thiếu sắt ở trẻ nhỏ thường gặp ở đối tượng trẻ nhỏ hiếu động, chạy nhảy nhiều, đang ở giai đoạn “tuổi ăn tuổi lớn” nên rất dễ bị thiếu sắt nếu chế độ dinh dưỡng thiếu chất.
  • Trẻ vị thành niên: Thanh thiếu niên đang trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì có tốc độ phát triển thể chất cực kỳ mạnh mẽ. Vì thế, cơ thể sẽ cần tiêu hao một nguồn sắt khổng lồ để tăng cường tái tạo và sản xuất thêm máu đi nuôi cơ thể.
  • Phụ nữ đang trong ngày hành kinh: Trong quá trình hành kinh, phụ nữ thường mất một lượng máu nhất định. Việc mất máu này có thể làm giảm nồng độ sắt trong cơ thể. Mặt khác, sự thay đổi nội tiết tố estrogen và progesterone trong thời kỳ hành kinh có thể làm cho việc hấp thụ sắt trở nên khó khăn hơn, khiến phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt dễ bị thiếu sắt.
  • Phụ nữ mang thai: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có hơn 40% phụ nữ mang thai trên toàn cầu bị thiếu máu do thiếu sắt. Nguyên nhân là bởi phụ nữ mang thai cần một nhu cầu sắt rất cao để sản xuất thêm máu nuôi dưỡng thai nhi.
  • Người có thói quen ăn uống không lành mạnh: Những người kén ăn, nghiện rượu, đang theo đuổi một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt hoặc mắc chứng rối loạn ăn uống đều có nguy cơ cao bị thiếu sắt.
  • Người ăn chay: Sắt trong các loại đạm động vật có tỉ lệ hấp thu cao gấp 10 lần sắt từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Do đó, người ăn chay thường có nguy cơ không hấp thụ đủ sắt qua các bữa ăn, gây nên chứng thiếu sắt.
  • Người mắc bệnh đường ruột: Những người mắc các chứng rối loạn hấp thụ và chuyển hóa sắt như người bệnh celiac, bệnh crohn, bệnh về đại tràng, nhiễm ký sinh giun đũa,…có nguy cao bị thiếu sắt nhiều hơn người bình thường
  • Người mắc bệnh mãn tính: Các bệnh mãn tính như ung thư, bệnh tự miễn, bệnh suy tim, suy thận, suy tuyến giáp,…khiến hệ thống nội tiết tố trong cơ thể rối loạn, gây nên bệnh thiếu sắt.
  • Đối tượng khác: Những người thường xuyên hiến máu, thường xuyên trải qua phẫu thuật hay phải uống thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau aspirin trong thời gian dài đều có nguy cơ bị thiếu sắt.
Ai dễ bị thiếu sắt?

Trẻ sơ sinh dễ bị thiếu sắt nếu không được bú mẹ hay dùng sữa công thức phù hợp với thể trạng của bé

Dấu hiệu thiếu sắt

Khi bị thiếu sắt, cơ thể dễ rơi vào trạng thái uể oải, khiến bạn rất khó phân biệt dấu hiệu thiếu sắt với triệu chứng của một số bệnh thông thường. Tuy nhiên, hãy liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận ra cơ thể mình xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng thiếu sắt điển hình sau:

  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, không muốn vận động, cơ thể chậm chạp;
  • Da dẻ nhợt nhạt, đặc biệt là da lòng bàn tay và lòng bàn chân;
  • Cảm thấy khó thở, đặc biệt là khi vận động;
  • Sa sút trí nhớ và trí lực, khiến bạn không thể tập trung học tập hay làm việc.
  • Dễ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh vặt do hệ miễn dịch suy yếu;
  • Trẻ em thường bị biếng ăn, mất cảm giác ngon miệng khi ăn uống;
  • Người lớn không có hoặc giảm ham muốn tình dục.

Lưu ý, nếu bạn nhận thấy cơ thể của mình chỉ xuất hiện một trong nhiều dấu hiệu kể trên thì điều đó không đủ căn cứ để khẳng định là bạn bị thiếu sắt. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đó tiếp tục kéo dài dù bạn đã áp dụng nhiều biện pháp cải thiện thì tốt nhất, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.

dấu hiệu thiếu sắt

Người bị thiếu sắt thường cảm thấy hoa mắt, chóng mặt và mệt mỏi

Chẩn đoán thiếu sắt

Để chẩn đoán thiếu sắt, bác sĩ thường sử dụng cơ bản nhất là các loại xét nghiệm máu. Thông qua đó bác sĩ sẽ kiểm tra được mức độ sắt, nguyên nhân gây thiếu sắt cũng như tình trạng thiếu sắt của bạn ở mức độ nào. Một số xét nghiệm thường được các bác sĩ sử dụng để chẩn đoán thiếu sắt bao gồm:

1. Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi

Loại xét nghiệm này còn được biết đến với tên gọi khác là xét nghiệm công thức máu. Đây là xét nghiệm cơ bản giúp xác định các thành phần trong máu và tìm kiếm nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu hoặc thiếu sắt. Nếu bạn bị thiếu sắt thì khi kiểm tra, kết quả xét nghiệm sẽ cho thấy:

  • Giảm huyết sắc tố Hemoglobin (HGB);
  • Giảm số lượng hồng cầu (RBC);
  • Giảm dung hồng cầu, hematocrit (HCT);
  • Giảm thể tích trung bình hồng cầu (MCV);
  • Giảm nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu (MCH);
  • Tiêu bản máu ngoại vi hiển thị hồng cầu nhỏ và nhược sắc (màu sắc nhạt hơn thông thường;
  • Giảm tỷ lệ hồng cầu lưới (mức độ sụt giảm tùy theo mức độ thiếu máu).

Nếu bạn đang ở giai đoạn đầu của tình trạng thiếu sắt, giá trị MCV và MCH sẽ giảm không quá nhiều, đồng thời kích thước tế bào hồng cầu cũng không quá nhỏ.

Chẩn đoán thiếu sắt, xét nghiệm công thức máu

Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng thiếu sắt

2. Các xét nghiệm khác

Bên cạnh xét nghiệm công thức máu, có nhiều loại xét nghiệm khác được sử dụng để đánh giá tình trạng thiếu sắt là:

  • Xét nghiệm sắt huyết thanh: Chỉ số sắt huyết thanh cho thấy lượng sắt trực tiếp lưu chuyển trong máu. Chỉ số bình thường của sắt trong huyết thanh thường nằm ở khoảng 75 -150 μg/dL (tương đương 13-27 umol/L) (đối với nam giới) và 60 – 140 μg/dL (tương đương 11-25 micromol/L) (đối với nữ giới). Nếu chỉ số xét nghiệm của bạn dưới mức tiêu chuẩn, điều đó có nghĩa là bạn đã bị thiếu sắt.
  • Xét nghiệm Transferrin hoặc TIBC: Chỉ số này biểu thị khả năng vận chuyển sắt của protein trong máu đến các cơ quan. Chỉ số bình thường nằm trong khoảng 250 – 450 μg/dL (tương đương 45 – 81 μmol/L).
  • Xét nghiệm độ bão hòa Transferrin (TSAT): Chỉ số này được xác định bằng cách lấy lượng sắt huyết thanh chia cho khả năng gắn sắt toàn bộ (TIBC) – một chỉ số đo lường toàn bộ các loại protein trong máu có khả năng liên kết với sắt.
  • Xét nghiệm Ferritin huyết thanh: Ferritin là một protein chứa sắt được sản xuất bởi các tế bào gan, có công dụng lưu trữ sắt để cơ thể sử dụng sau này. Xét nghiệm ferritin cho phép bác sĩ đánh giá được nồng độ sắt lưu trữ trong cơ thể. Nếu kết quả xét nghiệm ferritin cao, có thể cho thấy cơ thể đang tích tụ quá nhiều sắt và có thể gây hại cho sức khỏe. Nếu kết quả xét nghiệm ferritin thấp, có thể cho thấy cơ thể thiếu sắt và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như thiếu máu.

Trong các xét nghiệm trên, TSAT và Ferritin là 2 xét nghiệm cơ bản và hữu ích nhất. Bên cạnh đó, xét nghiệm tủy xương đôi khi cũng được bác sĩ yêu cầu để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn của bệnh thiếu sắt.

chẩn đoán thiếu sắt, thực hiện các xét nghiệm máu

Xét nghiệm Ferritin huyết thanh giúp bác sĩ xem được hàm lượng lưu trữ sắt trong cơ thể còn nhiều hay ít

Thiếu sắt gây bệnh gì?

Chất sắt có nhiều vai trò trong quá trình sinh lý và chuyển hóa của cơ thể. Thiếu sắt có thể gây ra rất nhiều các bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm khác như:

  • Thiếu máu do thiếu sắt (anemia);
  • Suy yếu hệ thống miễn dịch;
  • Thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, thiếu tập trung;
  • Lười vận động, hoạt động một cách chậm chạp;
  • Nếu mẹ bầu thiếu sắt sẽ dễ sinh non và trẻ sơ sinh thường bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, dễ gặp các vấn đề về chức năng vận động và hệ thần kinh.

Điều trị thiếu sắt

Để điều trị thiếu sắt, trước tiên bác sĩ cần thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này. Quá trình này sẽ giúp bạn đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh và định hướng điều trị đúng đắn. Sau khi đã đánh giá được tình hình, bước tiếp theo là cần dựa vào các phương pháp điều trị thiếu sắt khác nhau để đưa mức sắt trở lại bình thường.

Tùy theo nhu cầu của bệnh nhân và tình hình thực tế mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thiếu sắt như sau:

  • Ăn bổ sung các thực phẩm giàu sắt và thực phẩm giàu vitamin C để giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt.
  • Không sử dụng hoặc ít sử dụng các loại thực phẩm làm hạn chế khả năng hấp thụ sắt của cơ thể như trà, cà phê hoặc rượu.
  • Uống bổ sung sắt dưới dạng viên uống hoặc dạng syrup.
  • Trực tiếp truyền sắt vào tĩnh mạch hoặc truyền máu (áp dụng trong tình trạng khẩn cấp và nguy hiểm.
Điều trị thiếu sắt, thực phẩm giàu sắt

Cách điều trị thiếu sắt tốt nhất là xây dựng một chế độ dinh dưỡng đủ chất, chứa đầy đủ các loại thực phẩm giàu sắt

Thiếu sắt uống thuốc gì?

Căn cứ vào tình trạng, mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân của tình trạng thiếu sắt mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng loại thuốc phù hợp. Thiếu sắt ở giai đoạn đầu, cơ thể chưa xuất hiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt thì có thể bỏ sung sắt bằng việc tăng cường các thực phẩm giàu sắt. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thường chỉ định:

  • Thuốc sắt đường uống: Dạng viên nén hoặc dạng dung dịch lỏng chứa các hợp chất muối sắt như sắt sulfat, sắt gluconat, sắt fumarat;
  • Thuốc sắt đường tiêm: Thuốc bổ sung sắt qua đường tĩnh mạch thường được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, cơ thể không thể hấp thu sắt qua đường uống thông thường. Cách làm này cũng thường được áp dụng nếu bệnh nhân bị thiếu máu thiếu sắt cấp tính do bị mất máu, bệnh mãn tính hoặc viêm nhiễm.

Lưu ý, trong quá trình bổ sung sắt qua đường uống, bạn cần:

  • Tăng cường vitamin C: Nên sử dụng kết hợp thuốc sắt vô cơ (sắt sulfat) với vitamin C như nước cam, nước chanh vì vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt vô cơ cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng các loại thuốc sắt hữu cơ như sắt gluconat và sắt fumarat thì không nhất thiết phải bổ sung vitamin C.
  • Tăng cường chất xơ: Thời gian điều trị thiếu máu do thiếu sắt thường kéo dài nên rất dễ gây nên chứng táo bón. Do đó, khi sử dụng thuốc, bạn nhất định phải tuân theo liều lượng được bác sĩ chỉ định cũng như tăng cường ăn nhiều chất xơ để ngăn ngừa chứng táo bón.
  • Uống đủ liều: Thông thường, quá trình điều trị thiếu sắt thường kéo dài khoảng từ 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, ngay cả khi lượng sắt đã ổn định, bạn vẫn nên duy trì việc bổ sung sắt trong khoảng 3 tháng tiếp theo. Điều này giúp làm đầy “kho dự trữ” sắt trong cơ thể và ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt quay trở lại.
Thiếu sắt uống thuốc gì?

Thuốc bổ sung sắt ngừa bệnh thiếu máu (anemia) thường có nhiều dạng khác nhau như viên nén, viên sủi và dung dịch tiêm tĩnh mạch

Thiếu sắt có thể ngăn ngừa được không?

Thiếu sắt có thể được ngăn ngừa bằng cách bổ sung đầy đủ sắt trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để xác định lượng sắt mà cơ thể bạn cần mỗi ngày là bao nhiêu để không bổ sung dư thừa, gây ngộ độc sắt. Bên cạnh đó, bạn cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu thêm về những loại thực phẩm giàu sắt cũng như nghĩ cách kết hợp chúng hài hòa trong thực đơn dinh dưỡng.

Người bị thiếu sắt ăn gì, uống gì?

Người bị thiếu sắt nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt và có thể kết hợp uống thêm các loại thuốc bổ sung sắt theo chỉ định của bác sĩ. Một số thực phẩm giàu sắt có thể kể đến như:

  • Thực phẩm giàu sắt heme: Sắt heme – hay còn gọi là sắt hữu cơ, là loại sắt được hệ tiêu hóa hấp thụ nhiều nhất với tỉ lệ hấp thu khoảng 20% khối lượng dung nạp. Sắt heme thường có nhiều trong thịt đỏ của gia súc, gia cầm và hải sản, chẳng hạn như sò, trai, hến, các loại gan, nội tạng, thịt bò, thịt gà và các loại cá….
  • Thực phẩm giàu sắt non-heme: Sắt non-heme – hay còn gọi là sắt vô cơ, là loại sắt được hệ tiêu hóa hấp thụ với tỉ lệ khoảng 2% khối lượng dung nạp. Sắt non-heme chỉ có mặt trong các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như các loại hạt (hạt bí ngô, hạt mè, hạt lanh, hạt cây gai dầu,…), các loại đậu (đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen,…) và rau củ quả (cải bó xôi, bông cải xanh, cải xoăn, củ cải trắng, khoai lang, đậu Hà Lan,…)
Người bị thiếu sắt ăn gì, uống gì?, thực phẩm giàu sắt heme và non-heme

Người thiếu sắt nên ăn bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt

Thiếu sắt: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ khi bạn nhận thấy mình có những dấu hiệu nghi ngờ bị thiếu sắt như thường xuyên uể oải, đau đầu, chóng mặt, mất tập trung, tim đập nhanh, da dẻ tái nhợt, thường hay cảm giác ớn lạnh, nhảy cảm với nhiệt độ,… bạn hãy nhanh chóng đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Trong mọi tình huống, bạn nên biết rằng chỉ có bác sĩ là người duy nhất có đủ chuyên môn giúp bạn chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây thiếu sắt và đề ra các phác đồ điều trị phù hợp. Vì thế, bạn tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc bổ sung sắt để uống tại nhà để tránh dùng quá liều lượng và bị ngộ độc sắt.

Có thể thấy, thiếu sắt gây ra rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và bạn cần phải có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa bệnh thiếu sắt. Do đó, nếu bạn vẫn còn băn khoăn chưa biết thiếu sắt nên ăn gì, ăn với liều lượng bao nhiêu, bạn hãy nhanh chóng liên hệ ngay tới Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn một thực đơn dinh dưỡng chi tiết giúp bổ sung chất sắt kịp thời. Hẹn gặp bạn tại cơ sở thăm khám gần nhất của Nutrihome!

5/5 - (1 bình chọn)
09:30 13/04/2023