Thiếu vi chất dinh dưỡng: Nguyên nhân và cách phòng chống

13/09/2022 Theo dỗi Nutrihome trên google news Tác giả: Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Tư vấn chuyên môn bài viết
Chức Vụ: Trợ lý Giám đốc Y khoa
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome

Thiếu vi chất dinh dưỡng là ‘nạn đói tiềm ẩn’, rất khó phát hiện, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhất là ở trẻ em. Để duy trì não bộ, cơ bắp, xương và hệ thống miễn dịch, cơ thể liên tục cần các nguyên liệu thô khác nhau, cả vi lượng và vi chất dinh dưỡng. Bạn chỉ cần một lượng nhỏ vitamin và khoáng chất nhưng nó rất quan trọng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng lại đang là một vấn đề đáng lo ngại. Hiểu về lợi ích của vi chất dinh dưỡng, nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, các bậc phụ huynh sẽ có kiến thức để cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ.

Thiếu vi chất là gì?

Thiếu vi chất dinh dưỡng được định nghĩa là sự thiếu hụt hoặc thiếu một vi chất dinh dưỡng cụ thể cần thiết cho sự phát triển và chuyển hóa bình thường của con người: 11 nguyên tố vi lượng và 13 vitamin đủ tiêu chuẩn là cần thiết cho con người. (1, 2)

thiếu vi chất dinh dưỡng

Thế nào là thiếu vi chất dinh dưỡng?

Mặc dù một người chỉ cần một lượng nhỏ các nguyên tố vi lượng, nhưng việc nhận đủ lượng khuyến nghị là rất quan trọng. Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Ít nhất một nửa số trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị thiếu vitamin và khoáng chất.

Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF cho biết, chiều cao trung bình của người Việt Nam không chỉ thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, mà còn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn chiều cao trung bình của người Việt thấp chính là do thiếu vi chất dinh dưỡng.

thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng

Thiếu vi chất khiến trẻ chậm phát triển, thấp còi, gầy còm, suy dinh dưỡng

Theo kết quả Tổng điểu tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 được Viện Dinh dưỡng quốc gia và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai và trẻ em đã có sự cải thiện rõ rệt, nhưng vẫn còn ở mức cao (3). Cụ thể:

  • Tỷ lệ thiếu kẽm ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nặng theo đánh giá của WHO. Kết quả điều tra cho thấy có đến 58,0% trẻ em dưới 5 tuổi và 63,5% phụ nữ có thai bị thiếu kẽm.
  • Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 9,5%, ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ. Tỷ lệ này ở khu vực Miền núi phía Bắc là 13,8%, và ở Tây Nguyên là 11,0%.
  • Tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng (thiếu máu do thiếu sắt, thiếu vitamin B12, hoặc thiếu acid folic) là 19,6% ở trẻ em dưới 5 tuổi, 9,2% ở nhóm trẻ em 5-9 tuổi, 8,4% ở trẻ em 10-14 tuổi và 16,2% ở phụ nữ tuổi sinh đẻ, đều ở mức ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ. Riêng phụ nữ có thai tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở mức trung bình với 25,6%.

Biểu hiện, dấu hiệu thiếu chất

Các dấu hiệu thiếu chất còn tùy thuộc vào vi chất dinh dưỡng mà cơ thể đang bị thiếu hụt. Một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng:

  • Táo bón, đầy hơi hoặc đau bụng
  • Vết thương chậm lành
  • Rụng tóc nghiêm trọng
  • Tiêu chảy
  • Nhịp tim không đều
  • Ăn mất ngon
  • Chuột rút
  • Đau nhức xương
  • Buồn nôn, nôn
  • Tê hoặc ngứa ran ở tứ chi
  • Kém tập trung
  • Chậm phát triển ở trẻ em
  • Suy nhược, mệt mỏi
  • Thị lực ban đêm kém đi

Bạn có thể xuất hiện một hoặc nhiều triệu chứng với mức độ khác nhau. Các triệu chứng có thể là dấu hiệu cơ thể đang thiếu chất hoặc một bệnh lý nghiêm trọng khác. Do đó, nếu cảm thấy mệt mỏi kéo dài, suy nhược hoặc kém tập trung, hãy nhanh chóng đến các cơ sở khám chữa bệnh để được kiểm tra tình trạng thiếu hụt vi chất cũng như phát hiện và điều trị bệnh lý kịp thời.

Biểu hiện, dấu hiệu thiếu chất

Rụng tóc là biểu hiện cơ thể thiếu sắt

Nguyên nhân dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng

Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là do bạn không nhận đủ lượng các chất cần thiết từ thực phẩm hoặc chất bổ sung.

Có nhiều chế độ ăn khác nhau có thể gây nên sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Một chế độ ăn nghèo nàn hoặc chỉ dựa vào đồ ăn vặt, kèm theo một chế độ ăn thiếu trái cây có thể cũng là nguyên nhân có thể gây ra. Chẳng hạn như, ở những người ăn chay dễ thiếu vitamin B12, canxi, vitamin D, sắt, iốt, và axit béo omega-3 hơn so với người có chế độ ăn bình thường.

Ngoài ra, một chế độ ăn với rất ít calo có thể tạo ra hiện tượng thiếu vi chất. Điều này thường thấy ở những người đang giảm cân hoặc bị rối loạn ăn uống. Người lớn tuổi có khẩu vị không tốt cũng như không nhận đủ calo hoặc chất dinh dưỡng từ trong chế độ ăn uống của họ.

Khó tiêu hóa thức ăn hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng kém có thể dẫn đến thiếu khoáng chất. Nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm:

  • Các bệnh về gan, túi mật, ruột, tuyến tụy hoặc thận
  • Phẫu thuật tiêu hóa
  • Nghiện rượu mãn tính
  • Các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng và cả thuốc lợi tiểu

Sự thiếu hụt khoáng chất cũng có thể do nhu cầu về một số khoáng chất tăng lên. Ví dụ, phụ nữ có thể phải đối mặt với nhu cầu này khi mang thai, thời kỳ kinh nguyệt và sau khi mãn kinh.

Những ai dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng?

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị thiếu vi chất dinh dưỡng nhưng phụ nữ mang thai và trẻ em có nguy cơ bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cao nhất. Điều này không chỉ do chế độ ăn uống nghèo nàn, mà còn do nhu cầu sinh lý cao hơn. Quá trình mang thai và phát triển thời thơ ấu làm tăng nhu cầu một số vitamin và khoáng chất nhất định.

1. Phụ nữ mang thai

Nhu cầu về năng lượng và chất dinh dưỡng tăng lên khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên, sự gia tăng nhu cầu năng lượng không nhiều bằng nhu cầu vi chất dinh dưỡng.

ai dễ bị thiếu vi chất dinh dưỡng, phụ nữ mang thai

Phụ nữ có thai là đối tượng dễ thiếu vi chất nhất

Mặt khác, nhu cầu năng lượng và chất đạm tăng trong thời kỳ mang thai chỉ khoảng 20% ​​so với khi không có thai. Khi mang thai, nhu cầu về vitamin A và sắt tăng hơn 50%, nhu cầu về kẽm gần như tăng gấp đôi.

2. Trẻ em

Thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em là tình trạng trẻ thiếu các khoáng chất và vitamin quan trọng đối với sức khỏe và có trong xã hội, thường là vitamin A, iốt, sắt, kẽm, axit folic. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sự thiếu hụt vi chất ở trẻ em, đặc biệt là:

  • Thiếu kẽm: Phụ nữ có thai bị thiếu kẽm, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ ăn ít thịt, trẻ biếng ăn.
  • Thiếu sắt: Phụ nữ có thai bị thiếu sắt, trẻ sinh ra nhẹ cân, sử dụng sữa bò quá sớm (trước 12 tháng tuổi) do thay đổi hành vi phát triển và thần kinh.
  • Thiếu vitamin A, vitamin D: Do trẻ không được bú mẹ hoàn toàn (trẻ không được bú mẹ, trẻ bú sữa mẹ kết hợp uống sữa công thức) hoặc do mẹ cho bé ăn dặm sớm.

Loại vi chất nào bị thiếu nhiều nhất?

Tình trạng thiếu sắt, vitamin A và iốt là phổ biến nhất trên khắp thế giới, đặc biệt là ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng có nguy cơ bị thiếu hụt cao nhất khác là folate, kẽm và vitamin D (4).

Dưới đây liệt kê 14 sự thiếu hụt chất dinh dưỡng phổ biến hiện nay:

1. Sắt

Sắt là một khoáng chất quan trọng được tìm thấy trong mọi tế bào của cơ thể. Cơ thể cần sắt để tạo ra các protein vận chuyển oxy là hemoglobin. Theo CDC, tình trạng thiếu sắt phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có thai. Thiếu sắt dẫn đến thiếu máu gây mệt mỏi, da nhợt nhạt hoặc móng tay giòn, khó thở khi gắng sức và đau đầu. Thiếu sắt còn có thể gây chậm phát triển ở trẻ em và sinh non ở phụ nữ có thai

Một số thực phẩm giàu chất sắt bao gồm gan, hàu, thịt đỏ, cá mòi, rau bina, bông cải xanh,…

2. Vitamin A

Vitamin A rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt. Trên thực tế, thiếu vitamin A là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa có thể phòng ngừa được ở trẻ em. (5)

Thực phẩm giàu vitamin A bao gồm các loại rau màu xanh lá cây và màu cam như rau lá xanh, cà rốt, trứng và dưa vàng.

3. Iốt

Iốt rất quan trọng cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, là chất cần thiết cho nhiều quá trình của cơ thể như điều chỉnh quá trình đốt cháy calo, ảnh hưởng đến nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, kiểm soát quá trình sừng hóa và sức khỏe não bộ. Thiếu iốt có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ, suy giáp và bướu cổ.

Cơ thể không thể tạo ra iốt và chỉ có thể nhận được nó qua thực phẩm hoặc chất bổ sung. Các nguồn thực phẩm phổ biến của iốt bao gồm hải sản, pho mát, sữa bò, trứng, muối iốt và sữa đậu nành.

4. Axit folic

Axit folic hay Folate, vitamin B9 là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng nhất cần thiết trong thời kỳ mang thai và trẻ sơ sinh. Nó giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu, mang oxy đi khắp cơ thể.

Những người có chế độ ăn nghèo nàn, uống nhiều rượu và một số loại thuốc có nguy cơ bị thiếu folate cao hơn. Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ thiếu axit folic cao hơn, và thiếu folate trong thai kỳ có liên quan đến các dị tật bẩm sinh lớn. Các dấu hiệu của tình trạng này bao gồm da nhợt nhạt, lưỡi mềm, chán ăn và mệt mỏi.

Thực phẩm giàu folate bao gồm như bông cải xanh, cải Brussels, rau lá xanh, đậu Hà Lan, đậu xanh và đậu tây, hoặc bổ sung qua viên uống axit folic.

5. Kẽm

Kẽm là một chất dinh dưỡng đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, tham gia vào nhiều quá trình như phản ứng enzyme, tổng hợp DNA và protein, làm lành vết thương và chức năng miễn dịch.

Người ăn chay, phụ nữ mang thai, người bị suy dinh dưỡng, người mắc bệnh lý mạn tính,… là những nhóm đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm cao. Thiếu kẽm gây rụng tóc, suy giảm thị lực, rối loạn thính giác, loét miệng, chậm quá trình làm lành vết thương và tăng nguy cơ mắc bệnh lý xương khớp và bệnh lý mạn tính khác.

Là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu, cơ thể không thể sản xuất hoặc lưu trữ kẽm. Do đó, bạn cần được nguồn cung cấp liên tục thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm bổ sung.

Thực phẩm giàu kẽm nhất bao gồm động vật có vỏ, thịt, cá, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt cùng một số loại rau.

6. Vitamin D

Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường xương và cơ bắp. Thiếu vitamin D có nguy cơ mất mật độ xương cao hơn, làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương. Vitamin D cũng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư và bệnh tiểu đường.

Những người dễ bị thiếu vitamin D là trẻ sơ sinh bú sữa mẹ, người lớn tuổi, người có làn da sẫm màu và những người mắc một số bệnh như bệnh thận hoặc gan.

Có 3 cách để bổ sung vitamin D, ánh sáng mặt trời, thực phẩm hoặc chất bổ sung. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin D bao gồm dầu gan cá, cá béo, lòng đỏ trứng, gan và nấm. Các sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua và các thực phẩm khác (sữa đậu nành) thường được dùng để tăng cường vitamin D.

7. Vitamin B12

Vitamin B12 rất quan trọng đối với việc sản xuất các tế bào hồng cầu, dây thần kinh và DNA, cần thiết để ngăn ngừa bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Những người ăn chay trường hoặc bị các vấn đề về đường ruột có nguy cơ thiếu hụt vitamin B12. Thiếu chất dinh dưỡng này có thể dẫn đến thiếu máu, đau lưỡi, trầm cảm và ngứa ran ở tay chân.

Như trường hợp của hầu hết các loại vitamin, cơ thể không tạo ra B12 và cần phải lấy nó từ thực phẩm hoặc chất bổ sung. Vitamin B12 được tìm thấy rất nhiều trong thức ăn động vật như gan bò, trai, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa và thịt gia cầm.

8. Canxi

Canxi là thành phần chính cấu tạo nên xương. Nó cũng quan trọng đối với hoạt động của tim, cơ và dây thần kinh. Sự thiếu hụt nó có thể làm cho xương giòn và yếu, làm tăng nguy cơ đau khớp và gãy xương.

Những người có nguy cơ thiếu canxi là phụ nữ sau mãn kinh, những người không dung nạp lactose và người ăn chay trường. Các triệu chứng của thiếu canxi nghiêm trọng bao gồm tê, ngứa ran, co giật và nhịp tim bất thường.

Các nguồn cung cấp canxi dồi dào là sữa, pho mát, cải xoăn, bông cải xanh, đậu phụ, và một số loại thực phẩm và nước trái cây tăng cường.

9. Vitamin B6

Pyridoxine, thường được gọi là vitamin B6, rất cần thiết cho sự phát triển trí não của thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, và rất quan trọng đối với hệ thống miễn dịch. Những người bị bệnh thận hoặc những người bệnh đường ruột ảnh hưởng đến sự hấp thụ vitamin B6.

Cơ thể không dự trữ vitamin B6, vì vậy điều quan trọng là phải ăn các loại thực phẩm có chứa vitamin B6 hàng ngày để không bị thiếu hụt. Một số thực phẩm giàu chất vitamin B6 này bao gồm thịt gà, cá, khoai tây, đậu xanh và chuối.

10. Magie

Magie cần thiết cho mọi tế bào trong cơ thể. Khoáng chất này giúp chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, điều hòa hệ thần kinh và tạo ra các protein mới. Magie hoạt động giống như một loại enzym giữ cho huyết áp bình thường, xương chắc khỏe và nhịp tim ổn định.

Sự thiếu hụt magie có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như loãng xương, bệnh tim, tiểu đường và thậm chí là tổn thương thận nghiêm trọng. Các yếu tố nguy cơ thiếu magie bao gồm uống quá nhiều rượu, tuổi tác, một số loại thuốc, bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai và cho con bú.

Magie có thể được tìm thấy nhiều trong rau bina và các loại rau xanh khác, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, quả bơ và đậu đen.

11. Kali

Kali cần thiết cho hoạt động bình thường của tế bào cơ và duy trì sự cân bằng chất lỏng và huyết áp khỏe mạnh, đồng thời nó giúp điều chỉnh nhịp tim. Kali có thể làm giảm nguy cơ sỏi thận và làm giảm nguy cơ loãng xương ở người lớn tuổi.

Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hạ kali là do dùng một số loại thuốc, uống quá nhiều rượu, bệnh thận và thiếu folate.

Thực phẩm giàu kali bao gồm chuối, nấm, khoai tây, đậu Hà Lan, bông cải xanh nấu chín và rau bina, và bí ngô.

12. Vitamin E

Vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa trong cơ thể, bảo vệ các tế bào khỏi bị tổn thương do các gốc tự do gây ra, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí và tia UV. Vitamin E cũng tăng cường hệ thống miễn dịch và giữ cho máu không bị đông.

Vitamin E được tìm thấy tự nhiên trong hạt hướng dương, hạnh nhân và các loại rau xanh như rau bina và bông cải xanh.

13. Đồng

Tình trạng thiếu đồng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh celiac không được điều trị. Đồng rất quan trọng cho sức khỏe tim và xương cũng như hệ thống miễn dịch. Các nguồn thực phẩm giàu đồng bao gồm động vật có vỏ, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt, khoai tây, thịt nội tạng, rau lá xanh đậm, trái cây sấy khô, ca cao, hạt tiêu đen.

14. Vitamin C

Thiếu vitamin C có thể dẫn đến suy nhược, bệnh nướu răng, các vấn đề về da và hệ miễn dịch kém. Những người có chế độ ăn uống nghèo nàn, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu và những người bị bệnh thận có nguy cơ thiếu vitamin C. Một số dấu hiệu thiếu vitamin C bao gồm da khô, vết thương chậm lành, chảy máu nướu răng và mệt mỏi.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin C bao gồm ớt chuông, cam, dâu tây, bông cải xanh, kiwi, chanh và bưởi.

Thiếu vi chất gây bệnh gì?

Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thiếu sắt, folate và vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu, gây mệt mỏi, suy nhược, khó thở và chóng mặt. Ước tính có khoảng 42% trẻ em dưới 5 tuổi và 40% phụ nữ mang thai trên toàn thế giới bị thiếu máu.

Thiếu iốt gây bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp. Trẻ em bị thiếu iốt có thể bị tổn thương não, gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, bé bị nói ngọng, suy giảm thích lực. Thiếu iốt ở phụ nữ mang thai có thể gây sảy thai tự nhiên, chết lưu và dị tật bẩm sinh.

Thiếu vitamin A gây các bệnh nguy hiểm về mắt như quáng gà, khô mắt,…, các vấn đề về da và ảnh hưởng xấu tới khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Trẻ em thiếu vitamin A dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, tiêu chảy, bệnh về đường hô hấp,… do cơ thể bị suy giảm khả năng miễn dịch. Phụ nữ mang thai thiếu vitamin A có thể gây dị tật hoặc sảy thai.

Thiếu vi chất dinh dưỡng còn có liên quan đến nhiều bệnh mãn tính, chẳng hạn như loãng xương, nhuyễn xương, ung thư trực tràng do thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và bệnh tim mạch.

Một số bệnh lý phổ biến do thiếu vi chất dinh dưỡng như:

  • Còi xương: Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể thiếu canxi, vitamin D và kẽm
  • Bệnh Pellagra: có 3 triệu chứng đặc trưng: tiêu chảy, viêm da và giảm trí nhớ trầm trọng. Nguyên nhân của căn bệnh này là do cơ thể thiếu hụt lượng B3 hoặc niacin cần thiết.
  • Bệnh Scorbut: Cả người lớn và trẻ em không nhận đủ vitamin C đều có nguy cơ mắc bệnh này. Bệnh ở người lớn thường có các triệu chứng đặc trưng, ​​như: chảy máu lợi, sưng lợi, tụ máu trong màng xương, chấm xuất huyết, tăng sừng ở nang lông.
  • Khô mắt hay quáng gà: Những người bị bệnh khô mắt (quáng gà) thường thị lực kém, mắt bị khô dẫn đến nhiễm trùng mãn tính. Nguyên nhân của bệnh này là do cơ thể không đủ vitamin A.

Làm thế nào để chẩn đoán sự thiếu hụt vi chất?

Làm sao để biết cơ thể thiếu chất gì? Có thể sử dụng một hoặc nhiều phương pháp khác nhau để có thể chẩn đoán xem bạn có đang bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng hay không:

  • Tiền sử bệnh, bao gồm các triệu chứng và tiền sử gia đình về bệnh tật
  • Kiểm tra y tế
  • Kiểm tra chế độ ăn uống và thói quen ăn uống của bạn
  • Các xét nghiệm máu, chẳng hạn như công thức máu hoàn chỉnh (CBC) và đo chất điện giải (khoáng chất) trong máu.

Nutrihome cung cấp dịch vụ xét nghiệm vi chất dinh dưỡng với hệ thống máy móc hiện đại giúp phát hiện sự thiếu hoặc dư các vi chất trong cơ thể nhanh chóng và chính xác với chi phí cạnh tranh nhất thị trường.

Làm thế nào để điều trị thiếu chất dinh dưỡng?

Điều trị thiếu khoáng phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt. Các điều kiện cơ bản cũng là một yếu tố.

Bác sĩ của bạn có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định mức độ tổn thương trước khi quyết định kế hoạch điều trị. Điều này có thể bao gồm điều trị các bệnh khác hoặc thay đổi thói quen hàng ngày.

1. Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi các thói quen ăn uống có thể hữu ích nếu như bạn chỉ đang bị thiếu khoáng chất nhẹ. Những người bị thiếu máu do chế độ ăn uống thiếu sắt có thể được yêu cầu ăn nhiều thịt, gia cầm, trứng và ngũ cốc tăng cường chất sắt.

điều trị thiếu chất dinh dưỡng

Cần thay đổi chế độ dinh dưỡng để ngừa thiếu chất

2. Bổ sung dinh dưỡng

Một số sự thiếu hụt khoáng chất nhất định thì khó có thể được điều trị chỉ bằng chế độ ăn uống. Bạn có thể cần bổ sung vitamin tổng hợp hoặc chất bổ sung khoáng chất.

3. Điều trị cấp cứu

Điều trị tại bệnh viện có thể được yêu cầu trong những trường hợp thiếu khoáng chất rất nghiêm trọng. Khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác có thể được cung cấp qua đường tĩnh mạch.

Các biện ngăn ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng thường cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết để hoạt động tốt nhất, Tuy nhiên, một số người có thể cần một lượng vitamin nhất định cao hơn để phát triển cơ thể và ngăn ngừa bệnh tật, tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể dẫn đến các tình trạng như thiếu máu, bệnh còi xương, còi xương.

Các giải pháp để có thể phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm:

  • Uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp điều chỉnh ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. .
  • Bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thức ăn, bổ sung iốt, sắt, kẽm và vitamin A vào các loại như muối, nước mắm, nước tương, hạt gia vị, dầu ăn, bột mì …
  • Chế độ ăn đa dạng và đa dạng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày là cách tự nhiên nhất để có đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
  • Ngày Vi chất dinh dưỡng, ngày 1-2 tháng 6 hàng năm, bố mẹ hãy cho trẻ trong độ tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường.

Thiếu vi chất dinh dưỡng là một vấn đề sức khỏe lớn của toàn cầu. Không giống như suy dinh dưỡng protein-năng lượng, ảnh hưởng sức khỏe của việc thiếu vi chất không phải lúc nào cũng rõ ràng. Ngoài việc áp dụng các chế độ ăn khoa học, bạn cũng nên thường xuyên đến thăm khám sức khỏe để có thể kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của mình.

Rate this post
16:49 18/12/2023
Nguồn tham khảo
  1. Systems, M. a. I. F. (2006, November 25). Guidelines on food fortification with micronutrients. World Health Organization (WHO). https://www.who.int/publications/i/item/9241594012
  2. Trumbo, P., Yates, A. A., Schlicker, S., & Poos, M. (2001). Dietary reference intakes: vitamin A, vitamin K, arsenic, boron, chromium, copper, iodine, iron, manganese, molybdenum, nickel, silicon, vanadium, and zinc. Journal of the American Dietetic Association101(3), 294–301. https://doi.org/10.1016/S0002-8223(01)00078-5
  3. Bộ Y tế công bố kết quả Tổng điểu tra Dinh dưỡng năm 2019-2020. (n.d.). Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020
  4. Micronutrient malnutrition. (2021, April 30). Centers for Disease Control and Prevention. https://www.cdc.gov/nutrition/micronutrient-malnutrition/index.html
  5. The global burden of disease. (n.d.). World Health Organization’s Institutional Repository for Information Sharing. https://iris.who.int/bitstream/handle/10665/43942/9789241563710_eng.pdf

Discover more from Nutrihome

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading